TN - Đất & Người

Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển”:

Cơ sở hoạch định chiến lược, tạo động lực thúc đẩy Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 26/10, tại TP. Buôn Ma Thuột, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển”.

Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Sử học, Viện Khảo cổ, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học quốc gia Hà Nội; Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng.

Về phía lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND - UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhà khoa học có gửi bài tham luận về Ban tổ chức Hội thảo.

hoi-thao-khoa-hoc-dd-9508-8368.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu khai mạc hội thảo khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung khẳng định: Đắk Lắk là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, vị trí chiến lược quan trọng. Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Đắk Lắk trở thành 1 trong 20 tỉnh, thành phố thuộc Trung kỳ thời Pháp thuộc. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, bước ngoặt lớn ghi nhận vị thế và tầm vóc của tỉnh. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, địa danh Đắk Lắk đã gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với nhân dân cả nước đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi.

Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, hiện nay, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Tây Nguyên; có điều kiện rất thuận lợi để hợp tác, kết nối không gian phát triển, tạo động lực thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương trong vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và một số trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Đặc biệt, Đắk Lắk còn là nơi hội tụ nhiều nét đặc sắc về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

hoi-thao-khoa-hoc-dd2-437-3680.jpg
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn hội thảo.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, gần 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Trên hành trình 120 năm hình thành và phát triển ấy, với biết bao thăng trầm, gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha ông để có một vị thế, tầm vóc của tỉnh Đắk Lắk như ngày hôm nay.

Thông qua Hội thảo này, tỉnh Đắk Lắk mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành phân tích, thảo luận, nghiên cứu, làm rõ, cung cấp các luận cứ khoa học; đồng thời, đề xuất, khuyến nghị những định hướng, giải pháp làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm tạo động lực thúc đẩy Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

hoi-thao-khoa-hoc-dd3-9887-9194.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, điều hành hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo là dịp cùng nhìn lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển; khẳng định thành tựu nổi bật; những giá trị truyền thống, những đóng góp đối với lịch sử dân tộc của quân và dân Đắk Lắk trong 120 năm qua; tri ân các thế hệ đi trước đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương; đúc kết bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào thực tiễn hiện nay; đồng thời, đây cũng là dịp quan trọng để chúng ta cùng hướng tới tầm nhìn mới, khát vọng mới, xây dựng Đắk Lắk phát triển xứng tầm vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên với không gian “Sinh thái, bản sắc và kết nối sáng tạo”, cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 45 tham luận với nhiều nội dung phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực, ở nhiều chiều cạnh trong hành trình 120 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Đắk Lắk.

hoi-thao-khoa-hoc-dd4-3987-3942.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

GS. TS Lê Văn Lợi đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tập trung thảo luận làm sáng tỏ hơn một số nội dung: lịch sử hình thành, phát triển, những giá trị truyền thống tiêu biểu của vùng đất và con người Đắk Lắk; thành tựu nổi bật, những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn 120 xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk; phân tích làm sâu sắc thêm những đóng góp của Đắk Lắk đối với dân tộc Việt Nam, đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước; làm rõ thời cơ, thách thức, định hướng, tầm nhìn phát triển, góp phần đưa Đắk Lắk phát triển ngày càng “giàu đẹp, văn minh, bản sắc”, xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Theo Nguyễn Xuân (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm