Pháp luật

Tin tức

10 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kể từ ngày 1-1-2011, 10 luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Nuôi con nuôi, Luật Trọng tài thương mại, Luật Người khuyết tật, Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thi hành án hình sự, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

* Quy định cụ thể hơn đối tượng chịu thuế là đất phi nông nghiệp

Đất bị lấn, chiếm phải chịu mức thuế suất tới 0,15% là một trong những quy định mới trong Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Về đối tượng chịu thuế so với Pháp lệnh Thuế nhà, đất năm 1992, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã quy định cụ thể hơn đối tượng chịu thuế là đất phi nông nghiệp, bao gồm: đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất sử dụng cho khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

Về đối tượng không thuộc diện chịu thuế, Luật quy định 6 loại đất phi nông nghiệp sử dụng vào các mục đích, lĩnh vực hoạt động không vì mục đích kinh doanh, gồm: đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng các công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng các công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ; đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, tổ chức xã hội, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên nếu các loại đất trên sử dụng vào mục đích kinh doanh sẽ phải chịu thuế theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất, Luật quy định thuế suất được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần: 0,003% đối với diện tích trong hạn mức; 0,06% đối với phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức, 0,1% đối với phần diện tích vượt trên hạn mức 3 lần. Đối với đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư áp dụng mức thuế suất là 0,03%... Đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp áp dụng mức thuế suất là 0,03%; riêng đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất là 0,1%.

* Bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố

Chương III quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm (từ điều 10 đến điều 18) là một chương mới của Luật an toàn thực phẩm so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Chương này quy định dù là sản phẩm ở dạng nào cũng phải bảo đảm các điều kiện chung nhất. Ngoài các điều kiện chung (điều 10), đối với các nhóm thực phẩm cụ thể, đặc thù như thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng… cần phải bảo đảm thêm một số điều kiện riêng.

Hàng rong thường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hàng rong thường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một điểm khác biệt hơn so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm là Luật đã quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và giao Bộ chuyên ngành quy định điều kiện phù hợp và khả thi cho từng loại hình (chương IV). Thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, vì vậy, chương IV của Luật đưa ra một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố. Nếu như Pháp lệnh quy định Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô thời hạn, Luật an toàn thực phẩm quy định giấy này chỉ có giá trị trong 3 năm (chương V).

Để quản lý tốt về an toàn thực phẩm, Luật quy định phải tiến hành các hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông về nguy cơ. Luật cũng đưa ra các quy định về điều kiện an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu cũng như những yêu cầu trong trường hợp có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu.

* Tạo cơ hội bình đẳng đối với người khuyết tật

Tạo môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với người khuyết tật theo hướng bảo đảm quyền của người khuyết tật là nội dung xuyên suốt của Luật người khuyết tật. Bảo trợ xã hội là một trong những nội dung chính sách quan trọng của Luật người khuyết tật trong đó quy định cụ thể người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hỗ trợ kinh phí mai táng khi chết (khoản 1 điều 44, 46); gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi là các đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng (khoản 2 điều 44); người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Nhà nước cấp kinh phí cho các cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng người khuyết tật (điều 45). Cơ sở chăm sóc người khuyết tật thực hiện đầy đủ các quy chuẩn về nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật (điều 48).

* Xác định mối quan hệ pháp lý giữa Trọng tài thương mại với Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án

Đây là một trong những tâm điểm quan trọng nhất của Luật Trọng tài thương mại. Theo đó, thẩm quyền của Tòa án được ghi nhận tại Điều 7 và một số điều khác đã ghi nhận những trường hợp hỗ trợ cụ thể của Tòa án đối với Trọng tài. Thẩm quyền của Viện Kiểm sát được quy định tại điều 46 về thu thập chứng cứ, điều 47 về triệu tập người làm chứng, điều 53 về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, điều 71 về hủy phán quyết Trọng tài.

Thẩm quyền của cơ quan Thi hành án cũng đã được quy định tại Điều 8 của Luật. Tính xác định và rõ ràng của những quy định này sẽ tạo điều kiện để các cơ quan tư pháp và Hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp tránh được lúng túng trong các trường hợp cụ thể. Tổ chức trọng tài thương mại là tổ chức xã hội nghề nghiệp nên việc thành lập phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc cấp phép thành lập tổ chức này thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.

20 Nghị định của Chính phủ và 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm quy định chi tiết thi hành 10 luật trên đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để luật đi vào cuộc sống.
Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm