Điểm đến Gia Lai

10 năm Bác về với Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngay trung tâm TP. Pleiku, giữa bốn bề thênh thang gió lộng của Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên hiện hữu đầy uy nghiêm nhưng vô cùng đôn hậu, gần gũi. 10 năm qua, cán bộ và người dân trong tỉnh đã vẹn lòng mong ước khi lúc nào cũng được cận kề bên vị cha già kính yêu của dân tộc.
Kỷ niệm đáng nhớ
Tháng 5 này, các địa phương trong tỉnh rộn ràng hoạt động hướng đến kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2022) và 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022). Trò chuyện cùng tôi trong niềm hân hoan khôn tả, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin bồi hồi nhớ lại hành trình xây dựng và đón tượng Bác Hồ về với Gia Lai cách đây hơn 1 thập kỷ. Với ông, đó là dấu ấn không thể nào quên trong quá trình công tác của mình.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin khẳng định: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa một lần đến Tây Nguyên nhưng trong tư tưởng, tình cảm của Người thì miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng luôn đau đáu trong tim. Minh chứng rõ nét nhất cho điều ấy chính là bức thư Bác gửi đến Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Pleiku cách đây 76 năm (19-4-1946). Trong thư, Bác đã động viên, nhắc nhở về tinh thần đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc. Dù Bác đã đi xa, song những lời trong thư và hình ảnh của Người vẫn sống mãi trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bác luôn là vị cha già yêu kính nhất, là ngọn đuốc soi đường chỉ lối trong suốt hành trình vượt khó để chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay. 
“Chính vì lẽ đó mà các thế hệ lãnh đạo cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai đều mong ước có được 1 công trình tượng đài Bác Hồ tại tỉnh để lúc nào cũng như có Người ở bên. Sau nhiều lần bày tỏ nguyện vọng và gửi tờ trình xin chủ trương, ngày 2-8-2008, Bộ Chính trị đã đồng ý cho tỉnh được xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đặt tại Quảng trường 17-3 (TP. Pleiku) với tên gọi mới là Quảng trường Đại Đoàn Kết. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ vô cùng phấn khởi bởi lẽ cuối cùng, niềm mong mỏi được đón Bác về đã thành hiện thực”-nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhớ.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin chỉ về bức ảnh chụp Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được treo trang trọng nơi phòng khách gia đình ông. Ảnh: Hồng Thi
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin chỉ về bức ảnh chụp Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được treo trang trọng nơi phòng khách gia đình ông. Ảnh: Hồng Thi
Ban Chỉ đạo xây dựng tượng đài Bác ngay sau đó được thành lập do Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin làm Trưởng ban. Tỉnh cũng đã thành lập Hội đồng Nghệ thuật tỉnh, Ban Quản lý xây dựng công trình và tổ chức các hội thảo khoa học lấy ý kiến rộng rãi về vị trí đặt tượng, quy mô tượng, chất liệu; chọn đơn vị tư vấn thiết kế, chọn và mời các nhà chuyên môn tham gia Hội đồng Nghệ thuật; tác giả, nhóm tác giả sáng tác tượng đài, phù điêu, cảnh quan... Qua lựa chọn các phương án thiết kế, tỉnh đã quyết định chọn mẫu tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Phạm Bá Đua-hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và bức phù điêu của nhóm tác giả Lê Lạng Lương-giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Ngày 3-10-2010, tượng đài được khởi công xây dựng. Trong quá trình thi công, tỉnh cũng điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục so với quy hoạch ban đầu gồm: bậc tam cấp ở giữa đường Lê Lợi lên khu vực Quảng trường, thạch thư, trụ đá đại đoàn kết, 2 bộ cồng chiêng, nhà bát giác, nơi thờ Bác... tạo nên 1 quần thể kiến trúc hoàn chỉnh như hiện nay. Ngày 9-12-2012, lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được tỉnh tổ chức trang trọng gắn với các hoạt động kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10/12/1945-10/12/2012) trong niềm hân hoan của toàn Đảng, toàn dân. 
Ông Phan Xuân Vũ-nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-nhớ lại: Lúc bấy giờ, Sở được giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình. Khó khăn đủ bề vì thiếu cả kinh nghiệm, đội ngũ chuyên môn; thêm vào đó, quy hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ đến năm 2020 của Chính phủ không có Gia Lai nên phải thêm nhiều công đoạn, thủ tục. Thế nhưng, bằng tất cả tấm lòng đối với Bác, sau 2 năm, công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo về mặt kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Đặc biệt, đây là tượng đài danh nhân đầu tiên được thi công bằng công nghệ gò ép tấm đồng (tương tự như công nghệ tượng Nữ thần tự do của nước Mỹ), khác với đúc đồng thủ công truyền thống của Việt Nam. Cho đến nay, trên cả nước, chỉ duy nhất tượng đài Bác Hồ ở Gia Lai được thi công bằng công nghệ này.
Khu vực trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Ảnh: Đ.T
Khu vực trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Ảnh: Đ.T
“Trong quá trình rước tượng Bác vào Gia Lai, tôi được lãnh đạo tỉnh phân công gìn giữ chân hương và nắm đất được lấy từ Khu di tích Phủ Chủ tịch ở Hà Nội và xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Mãi đến khi tượng Bác được vận chuyển an toàn đến Quảng trường Đại Đoàn Kết, nắm đất được đội ngũ nghệ nhân đặt dưới đế chân tượng và chân hương được đặt tại nơi thờ Bác trong khuôn viên Quảng trường, tôi mới yên tâm vì đã hoàn thành nhiệm vụ”-ông Vũ tâm sự.
Công trình của lòng dân
10 năm qua, Quảng trường Đại Đoàn Kết cùng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đã trở thành điểm nhấn văn hóa-lịch sử; là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung với nhiều kỷ lục được ghi nhận. Không chỉ là địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng của tỉnh, các sở, ngành và TP. Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết còn trở thành nơi sinh hoạt, vui chơi, tản bộ của đông đảo người dân. Bà Nguyễn Thị Thanh (tổ 6, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Dù đã đi nhiều nơi, song tôi thấy ít ở đâu có được không gian đẹp, rộng rãi và thoáng đãng như Quảng trường Đại Đoàn Kết. Lúc rảnh rỗi, tôi lại cùng người thân, bạn bè đến Quảng trường đi bộ tập thể dục. Mỗi khi mệt mỏi, tôi cũng lại ra đây hóng mát, ngồi ngắm Bác và nghe chim chóc ríu rít hót”.
Quảng trường Đại Đoàn Kết trở thành nơi sinh hoạt, vui chơi của đông đảo người dân. Ảnh: N.L.V.Q
Quảng trường Đại Đoàn Kết trở thành nơi sinh hoạt, vui chơi của đông đảo người dân. Ảnh: N.L.V.Q
Vẹn nguyên ký ức tự hào khi cùng dân làng đón Bác về với Tây Nguyên cách đây 10 năm, anh Rmah Hur (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Nhìn tượng Bác bây giờ, tôi lại nhớ đến cái ngày làng nghe tin sắp xây dựng tượng Bác Hồ tại tỉnh. Khỏi phải nói bà con vui đến thế nào, nhất là các già làng bao nhiêu năm mong mỏi được gặp Bác mà chưa được. Cả làng cùng tập đánh cồng chiêng, múa xoang để biểu diễn trong đêm lễ hội khánh thành công trình. Từ đó đến nay, chúng tôi cũng thường xuyên về đây tham gia các sự kiện lớn của tỉnh và không quên nhắc nhở nhau về lời dặn dò của Bác được khắc trên bức thạch thư ở khuôn viên Quảng trường. Cả làng cùng đoàn kết làm ăn phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương đẹp giàu”.
Quảng trường Đại Đoàn Kết còn thực hiện sứ mệnh giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống lịch sử-văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh nhà suốt gần chục năm qua. Em Nguyễn Ngọc Thủy Tiên (lớp 10A2, Trường THPT Pleiku) phấn khởi nói: “Dù không có nhiều thời gian đến Quảng trường đều đặn nhưng mỗi khi có cơ hội, em đều ghé ra đây. Biết được ý nghĩa của công trình tượng đài Bác cùng các hạng mục liên quan, em càng thêm tự hào về quê hương mình. Không ít lần, nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng giúp em liên hệ thực tế, hoàn thành tốt các bài tập, bài thi liên quan đến văn hóa-lịch sử”.
Anh Đoàn Minh Tài (thứ 3 từ trái sang) cùng nhóm bạn ở TP. Hồ Chí Minh đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Mộc Trà
Anh Đoàn Minh Tài (thứ 3 từ trái sang) cùng nhóm bạn ở TP. Hồ Chí Minh đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Mộc Trà
Nhiều du khách cũng từng khẳng định với chúng tôi rằng, đến Pleiku mà chưa ghé thăm “trái tim” và “đôi mắt” thì coi như là chưa tới Phố núi. “Đôi mắt” ở đây là Biển Hồ, còn “trái tim” chính là Quảng trường Đại Đoàn Kết và tượng đài Bác. Có lẽ vì thế mà những năm gần đây, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã được ghi tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, thu hút đông đảo du khách gần xa về tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Anh Đoàn Minh Tài (Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) nhận xét: “Tôi đến Gia Lai khoảng 3-4 lần và hầu như lần nào cũng đến tham quan, chụp ảnh bên tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường. Không khí trong lành, thanh sạch khiến chúng tôi rất thích thú. Tôi đặc biệt ấn tượng với 2 bộ cồng chiêng khá lớn được đặt gần tượng Bác, cả bức thạch thư của Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 và trụ đá tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em. Tôi đã giới thiệu nhiều bạn bè đến đây và tất cả đều yêu thích không gian này”.
...Ngắm nhìn bức ảnh chụp Quảng trường Đại Đoàn Kết với tượng đài Bác đứng đưa tay vẫy chào hiền hậu treo trang trọng nơi phòng khách, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin không giấu được sự xúc động xen lẫn niềm vinh dự, tự hào. Với tầm vóc và ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa và xã hội to lớn, ông mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ và khai thác có hiệu quả công trình; đồng thời bổ sung, nâng cấp hệ thống hạ tầng cho nơi đây thêm khang trang, xanh-sạch-đẹp, xứng đáng là “trái tim” thành phố, là di sản vô giá của đồng bào các dân tộc Gia Lai và Tây Nguyên. 
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm