Kinh tế

Giá cả thị trường

10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại toạ đàm Kinh tế 2019 với chủ đề “Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông” do báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 29.12 với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia kinh tế uy tín trên cả nước cùng đại diện các cơ quan quản lý. Tại sự kiện, các chuyên gia cũng bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm.
1. Năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra.
 
heo đánh giá của Chính phủ, “điểm sáng” nổi bật năm 2018 là hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Bao gồm các chỉ tiêu:
Tăng trưởng kinh tế ước đạt 7%, vượt mục tiêu 6,5% -6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu vượt mục tiêu tăng trưởng 7% - 8% (ước tăng 10% - 12%); Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
2 . Tăng trưởng kinh tế (GDP) vượt mục tiêu đề ra, ước đạt 7%.
 
Đây là con số đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 vừa qua. Con số này cao nhất trong 10 năm qua kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.
Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra dự tính khoảng 7% trong bối cảnh giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thể hiện ở việc lạm phát được kiểm soát tốt dưới 4%, chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện so với các năm trước, tăng trưởng theo chiều sâu.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 82,6% năm 2015 lên 84,3% năm 2018, tiến sát mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra ở các ngành kinh tế mà xu hướng chuyển đổi trong nội bộ ngành cũng diễn ra tích cực. Đơn cử, lĩnh vực công nghiệp thì chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm. Công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển quan trọng.
Khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục trong năm 2017, gần 13 triệu lượt khách và ước tính cả năm 2018 đón khoảng 16 triệu lượt khách.
3  Xuất khẩu tăng trưởng cao, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu nông  sản đạt 40 tỷ USD.
 
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 ước đạt khoảng 239-240 tỷ USD, tăng trưởng 10-12% so với năm 2017. Cán cân thương mại thặng dư 7,4 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu nông sản với kim ngạch dự báo sẽ đạt 40 tỷ USD, mức kỷ lục mới. Đây là con số ấn tượng cho thấy những sản phẩm nông nghiệp được tăng cả về lượng và chất. Đáng lưu ý, năm 2018 ghi nhận 10 mặt hàng nông sản có giá trị từ 1 tỷ  USD trở lên như tôm, cá tra, gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, sắn, rau quả và lâm sản.
4  Chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
 
 Chính sách tỷ giá chịu áp lực lớn từ việc tăng giá của đồng USD trên thế giới do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Sau nhiều năm bình lặng, sóng tỷ giá nổi lên khiến công cụ tiền tệ phải gồng minh để giữ bình ổn đồng VND. NHNN đã có thời điểm bán USD để can thiệp thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chủ động nâng giá đồng nội tệ với mức biến động trong tầm kiểm soát nhằm để giảm những tác động tiêu cực từ biến động của tỷ giá tới doanh nghiệp, nền kinh tế. Đây được đánh giá là động thái phù hợp và tích cực
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cũng tương đối ổn định; Tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
5. Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP.
 
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá nhờ có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. CPTPP có thể tạo thêm 20.000-26.000 việc làm/năm. Hội nhập chính là con đường hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng của Việt Nam.
Về thu hút FDI, phần đầu tư của 11 nước thành viên CPTPP vào Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức đầu tư. Trong CPTPP, Nhật Bản là nước có FDI vào Việt Nam lớn nhất (chiếm 41,5%), tiếp đến là Singapore (38,3%) và Malaysia (11,7%). Các nước khác như Canada, New Zealand, Brunei, Australia chiếm tỷ trọng không đáng kể.
6  Đầu tư khối DN tư nhân duy trì mức tăng trưởng trên 15% cả năm
 
Trong một thống kê gần đây của Tổng cục thống kê cũng cho thấy sự đóng góp đáng kể của khối doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế. Trên bình diện toàn bộ nền kinh tế, số liệu tính toán đến cuối năm 2016, xét về doanh thu, các doanh nghiệp khối tư nhân tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp năm 2016.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu. Về lợi nhuận, các doanh nghiệp khối tư nhân tạo ra hơn 188 nghìn tỷ
Vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân còn được khẳng định cả về tỷ lệ chi phối trong thu hút vốn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng thu hút vốn nhanh nhất trong các khu vực giai đoạn 2010-2016. Thời điểm 31-12-2016, doanh nghiệp tư nhân thu hút tới 16,75 triệu tỉ đồng vốn (chiếm 55,5% vốn của toàn bộ doanh nghiệp). Trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước dù giảm nhanh về số lượng nhưng do quy mô lớn nên cũng thu hút vốn 8,36 triệu tỉ đồng (27,7%); khối doanh nghiệp FDI hút 5,01 triệu tỉ đồng.
Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm khoảng 9,3% lao động toàn khối doanh nghiệp trong khi khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 61,1% và khối FDI chiếm khoảng 30%. Khu vực doanh nghiệp tư nhân mỗi năm tăng thêm khoảng 6,2% lao động, khối FDI tăng thêm 11,5% trong khi khối doanh nghiệp nhà nước giảm khoảng 4,2%/năm.
7  Thâm hụt tài khóa giảm theo hướng tích cực.
 
Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao.
So với dự toán, có 09/17 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 91%), trong đó một số khoản thu đã hoàn thành dự toán như: Tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước; thu khác ngân sách; thu từ xổ số kiến thiết...
So với cùng kỳ, có 14/17 khoản thu, sắc thuế có tăng trưởng như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; lệ phí trước bạ; phí, lệ phí; tiền thuê đất.
8  Thể chế chính sách hỗ trợ DN tư nhân được triển khai quyết liệt.
 

 
Chính phủ kiến tạo trong những năm qua luôn hành động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển. Biểu hiện rõ nhất là nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện hơn với hàng loạt các điều kiện kinh doanh đã được nhiều bộ ngành cắt giảm như Bộ Công Thương với tổng số 561 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý của bộ này được cắt giảm, Bộ Tài  chính với tổng số 164 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính...
Hay như chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng làm tăng trưởng nhiều ngành công nghiệp khả quan như thép, ô tô, dược… hỗ trợ kịp thời cho tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ kiến tạo luôn hành động để tạo ra mội trường đầu tư an toàn để hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp ít rủi ro và chi phí thấp.
9.  Biến động kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cơ hội-thách thức của Việt Nam.
 
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (32 tỷ USD theo tính toán của Hải quan Việt Nam, 38 tỷ USD theo phía Hoa Kỳ năm 2017), chỉ sau Trung Quốc (376 tỷ USD), EU (151 tỷ USD), Mexico (71 tỷ USD) và Nhật Bản (69 tỷ USD). Trung Quốc, EU và Mexico đều đã bị Hoa Kỳ thực hành chính sách áp thuế nhập khẩu. Nhật Bản cũng đang chịu sức ép để đám phán thương mại với Hoa Kỳ nếu không sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế đối với xe ô-tô.
Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở (tính bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) đứng thứ 7 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Nếu bị Hoa Kỳ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế EU, Mexico, Nhật Bản hay Trung Quốc.
Việc chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh Việt Nam không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ.
10. Sự bùng nổ của các doanh nghiệp tỷ USD niêm yết trên thị trường chứng khoán.
 
Thị trường chứng khoán năm 2018 cũng được đánh dấu sự trở lại với việc tăng lên 1.000, mốc của 10 năm về trước nhưng sau đó giảm và giao dịch quanh mức 920 điểm. Dù vậy, năm 2018 là năm bùng nổ của nhiều doanh nghiệp tỷ USD chào sàn, vốn hóa thị trường cao kỷ lục như HDB, Vinhome, TCB, TPB, nâng vốn hóa thị trường lên cao nhất từ trước tới nay.
Lê Thúy (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm