Nhu cầu phát triển nguồn và lưới điện đặt ra bài toán phải xã hội hóa lưới điện truyền tải.
Ngày 28-9, tiếp tục quá trình lấy ý kiến về Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo, tập trung vào vấn đề phát triển lưới điện truyền tải.
Lưới điện kết nối với khu vực
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết thời gian vừa qua, ngành điện đối mặt với nhiều khó khăn lớn như nhu cầu điện đang tăng trưởng cao, sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền; đặc biệt là các dự án nhiệt điện than còn chậm tiến độ. "Bên cạnh đó, phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo nhưng lưới điện chưa theo kịp dẫn tới thực tế công suất nguồn điện tại một số nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.
Chính vì vậy, phát triển lưới điện truyền tải là một trong những nội dung quan trọng được cơ quan soạn thảo đặt ra trong Quy hoạch điện VIII. Dù xác định những mục tiêu như vậy nhưng Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã chỉ ra những thách thức khi thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo ông Vượng, nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng những nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm. Nhu cầu vốn đầu tư hằng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỉ USD giai đoạn 2021-2030 đang đặt ra bài toán phải xã hội hóa lưới điện truyền tải để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, chiều truyền tải sẽ có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại. Việc phát triển lưới truyền tải điện còn phải hài hòa, phù hợp với chủ trương về nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh vấn đề liên kết lưới điện đã được cơ quan này nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất nhiều giải pháp triển khai nhằm hiện thực hóa những chủ trương liên kết lưới điện của Chính phủ. "Việc này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nước ta trong giai đoạn tới, quan trọng hơn là tạo ra sự liên kết mạnh giữa hệ thống điện Việt Nam và các nước trong khu vực, hướng tới thị trường điện cạnh tranh" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.
Phân tích thêm về việc liên kết lưới điện với khu vực, bà Lê Thị Thu Hà, Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng, cho rằng cần ưu tiên nghiên cứu xây dựng liên kết mua điện từ Lào và Trung Quốc về Bắc Bộ. Trong đó, xem xét mua thêm Trung Quốc 3.000 MW thông qua đường dây một chiều về trạm 500 KV Vĩnh Yên. Các giải pháp kết nối lưới điện khu vực cũng được bà Hà đề cập khi có thể nghiên cứu điều chỉnh và phối hợp xây dựng liên kết lưới điện giữa các nước ASEAN trong tình hình mới.
Phát triển lưới điện truyền tải là một trong những nội dung quan trọng được cơ quan soạn thảo đặt ra trong Quy hoạch điện VIII. Ảnh: HOÀI DƯƠNG |
Phụ thuộc vào chính sách
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng, nhấn mạnh sự chủ động trong việc xây dựng lưới truyền tải điện là vô cùng quan trọng. Việc thiết kế hệ thống lưới truyền tải bảo đảm đi trước một bước, trong đó cần chú trọng đến lộ trình xây dựng lưới truyền tải giai đoạn 2021-2030, định hướng tới giai đoạn 2031-2045. Bên cạnh đó, lập danh mục đường dây và trạm biến áp cấp điện phụ tải và lưới truyền tải đấu nối nguồn điện, nhất là hệ thống gom nguồn năng lượng tái tạo.
Về phát triển lưới điện trong Quy hoạch điện VIII, ông Cường cho biết khối lượng xây dựng không nhỏ. Giai đoạn 2021 - 2030 cần xây mới 81 GVA công suất TBA 500 KV và khoảng 12.000 km đường dây 500 KV, 83 GVA công suất TBA 220 KV và 20.000 km đường dây 220 KV. "Trong 10 năm tới, trung bình mỗi năm, cần đưa vào vận hành 1.200 km đường dây 500 KV (hiện nay 400 km/năm), 2.000 km đường dây 220 KV" - ông Cường nói. Bên cạnh đó, hằng năm cần đưa vào 8.000 MVA công suất TBA 500 KV và 8.400 MVA công suất TBA 220 KV.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, đang có sự thiếu cân đối giữa công suất nguồn đăng ký với phụ tải, giữa các vùng, tiểu vùng và các tỉnh. Các nguồn điện hiện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam. Đến năm 2030, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Nếu tất cả nguồn đăng ký đầu tư thêm đều được phê duyệt (162,5 GW) thì tổng công suất nguồn toàn quốc năm 2030 sẽ dư 137 GW (dư 162%). Do vậy, đến năm 2030 sẽ chỉ có một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung quy hoạch. Lượng công suất nguồn còn lại xem xét phát triển trong giai đoạn 2031-2045.
Tại hội thảo, ông Cường đưa ra 3 phương án truyền tải điện liên vùng. Phương án 1: Xây dựng thêm đường dây AC 500 KV mạch kép Nam Trung Bộ - Bắc Bộ, có chiều dài khoảng 1.200 km, quy mô truyền tải 2.000 MW. Phương án 2: Xây dựng thêm đường dây DC 525 KV Nam Trung Bộ - Bắc Bộ dài 1.200 km, quy mô 2.000 MW. Phương án 3: Xây dựng thêm đường dây DC 800 KV Nam Trung Bộ - Bắc Bộ.
Chia sẻ thêm về lưới truyền tải điện cho giai đoạn tới, bà Lê Thị Thu Hà cho rằng hệ thống điện tăng trưởng quy mô lớn với cơ cấu nguồn phức tạp khi bổ sung khối lượng lớn nguồn biến đổi gió và năng lượng mặt trời nên khối lượng lưới truyền tải tăng gấp khoảng 2 lần vào năm 2030 và gấp 3 lần vào năm 2045. Chính vì vậy, vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 cần tới 133,3 tỉ USD. Trong đó, nguồn điện cần 96 tỉ USD, lưới điện cần gần 37,3 tỉ USD, tức mỗi năm cần 13,3 tỉ USD cho vốn đầu tư nguồn và lưới điện.
Lo ngại về vấn đề chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng lưới truyền tải, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng lưới truyền tải giai đoạn 2021-2030 và định hướng phát triển đến năm 2045 được xây dựng có mục tiêu chủ yếu là truyền tải nguồn năng lượng tái tạo. Do đó, khối lượng xây dựng lưới truyền tải rất phụ thuộc vào chính sách phát triển năng lượng tái tạo quốc gia như chính sách phát triển điện mặt trời, điện gió.
Theo MINH CHIẾN (NLĐO)