Thời sự - Bình luận

Hồi chuông cảnh báo từ xăng E5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tin nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa các trụ xăng E5 lọt thỏm giữa rừng thông tin về kinh tế khác như: Thương mại xuyên biên giới, thu hút vốn ngoại…

Xăng E5 cũng dần bị lãng quên trong sự đổi mới của ngành ô tô, khi xe điện ra đời và quan trọng là người dùng cũng lơ là với loại nhiên liệu được đánh giá khá ưu việt này.

Xét về mặt kinh doanh, việc ra đời hay mất đi một sản phẩm trên thị trường là rất bình thường. Thậm chí chính thị trường quyết định sự tồn tại hay phát triển của sản phẩm tiêu dùng.

Nhưng E5 có phải là sản phẩm thông thường? Và sự thụt lùi của nó báo hiệu điều gì?

Không thể chối cãi, xăng E5 là giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu khi phát thải ô nhiễm thấp trong nhóm hàng nhiên liệu. Đây là một trong những nhóm gây ô nhiễm hàng đầu nên luôn được cảnh báo và tìm cách hạn chế trên toàn thế giới. Ở các nước tiên tiến, E5, E10 hoặc E15 được khuyến khích, thậm chí bắt buộc sử dụng từ gần nửa thế kỷ trước. Không chỉ nhiên liệu mà các loại máy móc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng buộc phải cải tiến để giảm phát thải ô nhiễm tối đa. Đây là tiêu chí để đánh giá ngành công nghiệp và cam kết giảm thải của một quốc gia.

Tại Việt Nam, từ năm 2015 Chính phủ đã ban hành chủ trương này và bắt đầu dùng xăng E5 từ năm 2018, đồng thời khai tử xăng RON 92. Những năm tháng đầu, việc tiêu thụ E5 khá thuận lợi. Có thời điểm lượng xăng E5 được sử dụng cho ô tô, xe máy chiếm khoảng 40% lượng nhiên liệu bán ra.

Nhưng qua thời gian, nhiều thông tin bất lợi, mức thuế không thấp, mức lợi nhuận không hấp dẫn, xe động cơ điện ngày càng nhiều… đã làm phai nhạt đi ý nghĩa của loại nhiên liệu này. Số lượng tiêu thụ giảm dần và gần đây các cơ quan chức năng phải báo động tình trạng đóng cửa trụ xăng E5.

Sự ra đời của các dòng xe sử dụng điện đã thay đổi cách nhìn về giao thông và cả môi trường. Cũng như những sản phẩm cơ khí khác trong quá khứ, chúng cần thời gian trải nghiệm và thử thách, kể cả đón nhận hậu quả có thể xảy ra. Cuộc cách mạng xe điện này cũng không có nghĩa là lời cáo chung cho các loại động cơ sử dụng nhiên liệu khác.

Nên trong thời gian dài trước mắt, vấn đề phát thải luôn thúc ép các quốc gia tìm và sử dụng các biện pháp hữu hiệu để tránh tác động xấu đến môi trường. Việt Nam cũng không thể khác và càng quan trọng hơn là chúng ta đã có những cam kết giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030, đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Tất nhiên, xăng E5 không phải là nhân tố quyết định tất cả tiến trình xanh hóa môi trường của quốc gia. Tuy vậy, E5 là một trong những nhân tố đầu tiên, tự xây dựng được bằng kỹ thuật nội địa, có quyết tâm chính trị và đặt trúng trọng tâm của nguồn phát thải lớn nhất là sử dụng nguyên liệu hóa thạch.

Sự giảm thiểu đáng ngại của nguồn nhiên liệu này cảnh báo nhiều vấn đề về tiến trình giảm thải mà chúng ta đã đề ra: lơ là về mục tiêu bảo vệ tự nhiên, lợi nhuận cục bộ có thể lấn át các chủ trương lớn về môi trường… Đây là vấn đề đáng quan ngại, đặc biệt trong quá trình hiện nay chúng ta đang xây dựng cuộc sống xanh, kinh tế xanh.

Theo Hồ Hiếu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm