Chỉ đơn giản là kết nối giao thông nhưng một số cây cầu trên thế giới đã trở thành biểu tượng của kiến trúc và nghệ thuật, thậm chí là biểu tượng của thành phố, như cầu Brooklyn của New York hay cầu Tháp của London.
Những cây cầu ngoạn mục nhất hành tinh trong danh sách sau đây của báo Anh có sự kết hợp giữa các đặc điểm thẩm mỹ và kỳ công khéo léo của kỹ thuật.
Cầu Danyang-Kunshan, Trung Quốc
Với chiều dài hơn 164 km, đây là cây cầu dài nhất thế giới. Khánh thành vào năm 2011, phải mất khoảng 10.000 người để xây dựng cây cầu chỉ trong 4 năm và tiêu tốn 8,5 tỉ đô la Mỹ. Kiến trúc đáng kinh ngạc này kết nối Thượng Hải với Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô.
Cầu cạn Millau, Pháp
Vượt qua cả tháp Eiffel hùng vĩ về chiều cao, cầu cạn Millau của Pháp đang giữ danh hiệu hiện cây cầu cạn cao nhất thế giới. Với chiều cao 343m, cây cầu khánh thành vào năm 2004 và bắc qua thung lũng Tarn giữa Clermont-Ferrand và Béziers và Narbonne.
Cầu cạn Ribblehead, Bắc Yorkshire, Anh
Bao gồm 24 mái vòm bằng đá và nằm ở độ cao 32m so với vùng đất hoang bên dưới, cầu cạn Ribblehead là một trong những ví dụ điển hình nhất về kỹ thuật thời Victoria của Vương quốc Anh. Được xây dựng từ năm 1870 đến 1874, là một phần của tuyến đường sắt Settle-Carlisle đẹp như tranh vẽ, cây cầu nằm ở giữa núi Three Peaks và nằm trên biên giới của Cumbria và Yorkshire.
Cầu Vasco da Gama, Bồ Đào Nha
Với chiều dài gần 12 km, cầu Vasco da Gama, nối miền bắc và miền nam Bồ Đào Nha, là cây cầu dài nhất ở châu Âu. Khai trương vào năm 1998 và được đặt theo tên của nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha, người châu Âu đầu tiên đến Ấn Độ bằng đường biển vào thế kỷ 15. Bắc qua sông Tagus, hành khách không thể đi bộ trên cây cầu và đã được xây dựng để chịu sức gió lên tới 249 km/giờ.
Cầu Bắc Bàn Giang, Trung Quốc
Với chiều cao hơn 560m, cầu Bắc Bàn Giang hay Duge là cầu cao nhất thế giới. Đoạn đường cao tốc quan trọng này nối liền các thành phố Liupanshui và Qujing, giúp giảm thời gian di chuyển tới ba giờ. Với chiều cao gần gấp đôi chiều cao của London's Shard, cây cầu tiêu tốn khoảng 112 triệu bảng Anh để xây dựng.
Cầu dẫn nước Pont du Gard, Pháp
Khẳng định danh hiệu cây cầu lâu đời nhất trong danh sách này, cầu dẫn nước Pont du Gard là tượng đài La Mã được xây dựng vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Ban đầu được thiết kế để cung cấp nước cho thành phố Nîmes, cầu dẫn nước ba tầng này có chiều cao 50m. Được xây dựng từ đá vôi mềm, màu vàng, công trình đáng chú ý này đã được chính phủ Pháp công nhận di tích lịch sử vào năm 1840.
Cầu Cổng Vàng, Mỹ
Đây là cây cầu nổi tiếng nhất thế giới, mang tính biểu tượng của San Francisco, được mở cửa vào năm 1937 (chỉ 6 tháng sau cây cầu chính khác của thành phố là cầu Vịnh, Oakland) với chi phí 35 triệu USD vào thời điểm đó. Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã phê duyệt một dự án trị giá 400 triệu đô la để giúp bảo vệ cây cầu tránh khỏi ảnh hưởng bởi động đất.
Cầu Hartland/New Brunswick, Canada
Khai trương vào năm 1901, cây cầu có mái che dài nhất thế giới được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1980. Cây cầu một chiều này được làm mái che vào năm 1922 bất chấp sự phản đối của người dân địa phương.
Eshima Ohashi, Nhật Bản
Nhìn vào hình ảnh của cây cầu khét tiếng này, bạn có thể lầm tưởng nó là một loại đường dành cho xe đua. Con đường lên cầu cực kỳ dốc này có độ dốc tối đa 6,1% nhưng trong một số bức ảnh nhìn rất khác thường. Chỉ dài hơn một dặm, cầu Eshima Ohashi nối Matsue và Sakaiminato, là cây cầu khung cứng lớn nhất ở Nhật Bản.
Cầu Canakkale 1915, Thổ Nhĩ Kỳ
Khánh thành vào tháng 3 năm ngoái, cầu Canakkale năm 1915 hiện là cây cầu treo dài nhất thế giới, với khoảng cách trên nhịp chính là 2.023m. Nhìn chung, công trình dài gần 5 km và được xây dựng trong hơn 5 năm với chi phí 2,1 tỉ bảng Anh.
Cầu Sky, CH Czech
Cầu treo đi bộ dài nhất thế giới được khai trương vào tháng 5 năm 2022 tại vùng Dolni Morava ở phía đông đất nước. Với chiều dài 721m và chỉ rộng 1,2m, nó đã vượt qua Arouca 516 mới khai trương ở Bồ Đào Nha.
Cầu George Washington, Mỹ
George Washington là cây cầu đông đúc người và phương tiện qua lại nhất thế giới, được cho là chuyên chở hơn một trăm triệu phương tiện mỗi năm (hoặc lên đến 250.000 phương tiện mỗi ngày). Công trình ban đầu được hoàn thành vào năm 1927, mặc dù một tầng thấp hơn đã được mở vào năm 1962, có nghĩa ngày nay cây cầu đưa đón các phương tiện qua 14 làn đường giao thông khác nhau (nhiều nhất so với bất kỳ cây cầu nào trên thế giới).
Cầu trục Rod El Farag, Ai Cập
Hay còn gọi là cầu Tahya Misr, khánh thành năm 2019 và ngay lập tức trở thành cây cầu dây văng rộng nhất thế giới. Được xây dựng với chi phí khoảng 4,1 triệu bảng Anh, cây cầu trải dài 540m dọc theo sông Nile và có lối đi dành cho người đi bộ và lối đi có sàn bằng kính, đồng thời đã trở thành điểm thu hút khách du lịch cho những ai muốn ngắm nhìn dòng sông.
Cầu Vàng, Việt Nam
Ảnh: NGUYỄN MINH TÚ |
Kể từ khi mở cửa vào năm 2018, cầu Vàng của Việt Nam đã trở thành điểm thu hút khách du lịch lớn. Nằm trên một đỉnh núi gần thành phố Đà Nẵng, cây cầu đặc biệt này được thiết kế trông như thể đang được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ.
Cầu Vàng thuộc quản lý bởi Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, khánh thành năm 2018 với thiết kế độc đáo là đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ con đường vòng cung màu vàng dài 150m. Cây cầu được xem là một trong những biểu tượng của du lịch Đà Nẵng.