Thời sự - Bình luận

15 năm bảo tồn văn hóa cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ở Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chính sách cũng như các hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trong điều kiện và bối cảnh, môi trường cụ thể nhằm đạt đến hiệu quả tích cực nhất. 
Cách đây 15 năm, ngày 25-11-2005, tại TP. Pleiku đã diễn ra sự kiện lớn làm nức lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên: UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản thứ 2 của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc công nhận danh hiệu sau Nhã nhạc cung đình Huế.
Các thành tố chính được xem là đối tượng đề cập của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gồm: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, các đội múa xoang, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức lễ hội theo phong tục, tập quán có sử dụng cồng chiêng…
Sau đó 4 năm (14-11-2009), cũng tại TP. Pleiku đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự thay đổi đời sống kinh tế-xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa ở trong nước và quốc tế với 74 bài tham luận xoay quanh chủ đề trên. Tại hội thảo này, các thành viên đã thảo luận, thống nhất nhận thức, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, không gian văn hóa cồng chiêng nói riêng, từ đó làm rõ quan điểm chủ trương, đề xuất những phương thức, giải pháp nhằm làm tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đối với tỉnh Gia Lai, một trong những cái nôi của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhiều năm qua đã có chủ trương duy trì đều đặn các cuộc liên hoan cồng chiêng từ cơ sở đến cấp tỉnh: 2 năm tổ chức 1 lần ở cấp xã và cấp huyện; 4 năm tổ chức 1 lần ở cấp tỉnh. Các cuộc liên hoan cồng chiêng này đã thu hút được đông đảo các nghệ nhân và dân làng tham gia vào hoạt động trình diễn, thưởng thức, cổ vũ. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm duy trì thường xuyên việc giao lưu, truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng và kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi của nghệ nhân, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc bản địa trong việc bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng của cha ông. 
Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Trần Phong
Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Trần Phong
Để không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục sống thì môi trường văn hóa truyền thống bản địa của các dân tộc phải tiếp tục được duy trì. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Văn Doanh: Chúng ta cần tổ chức hoặc chọn ra những đội cồng chiêng để giữ làm những đội cồng chiêng “chuyên nghiệp” hay “bán chuyên nghiệp” dân gian thuộc các dân tộc của từng đơn vị hành chính để dần dần họ tự sống và tự hoạt động. Đó là những hạt nhân cồng chiêng không thể hoặc khó bị thay thế. Dù cho không gian văn hóa cồng chiêng có bị thu hẹp, biến đổi do môi trường sống thì chính những hạt nhân cồng chiêng này sẽ tạo ra cái hồn Tây Nguyên và duy trì “cái hồn” ấy trong các không gian bị biến đổi. 
Sau 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ở Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chính sách cũng như các hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trong điều kiện và bối cảnh, môi trường cụ thể nhằm đạt đến hiệu quả tích cực nhất.
Hiện nay, với sự phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên đang tạo ra sự biến đổi lớn về không gian, môi trường văn hóa tác động sâu sắc đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng. Tuy nhiên, những nỗ lực duy trì nâng cao nhận thức của người dân về giá trị văn hóa cồng chiêng nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung ở cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên được tiến hành thường xuyên và có bước tiến triển khá. Việc truyền dạy để có sự tiếp nối, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trong giới trẻ được đặc biệt quan tâm ngay chính trong cộng đồng buôn, làng và các trường học ở địa phương. Đó là những việc làm không thể bị lãng quên trong các hoạt động của ngành Văn hóa ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm