Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 16/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 19/2, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết 26 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã kêu gọi tạm ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, điều mà nhiều người cho là sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn bền vững” ở Dải Gaza.
Trả lời phóng viên, ông Borrell nêu rõ 26 nước đã nhất trí "yêu cầu tạm ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo để dẫn đến lệnh ngừng bắn bền vững, thả con tin vô điều kiện và hỗ trợ nhân đạo."
Tuy nhiên, ông Borrell không cho biết nước EU nào không đồng ý với tuyên bố.
Trong một diễn biến có liên quan, theo phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ đã đề xuất một bản dự thảo nghị quyết quan trọng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh “sự ủng hộ của cơ quan quyền lực này đối với việc có thể đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời càng sớm càng tốt tại Dải Gaza.”
Một quan chức phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc tiết lộ bản dự thảo nghị quyết cũng “cho rằng với tình hình hiện nay, một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Rafah sẽ gây tổn thương hơn nữa cho dân thường,” đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh khu vực.
Do đó, bản dự thảo nghị quyết nhấn mạnh không nên phát động một cuộc tấn công lớn trên bộ như vậy trong bối cảnh hiện nay.
Mỹ trình bản dự thảo trên sau khi Algeria tuần trước đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu về bản dự thảo do nước này đề xuất. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu về dự thảo do Mỹ đưa ra.
Cùng ngày, Điều phối viên cấp cao của Liên hợp quốc về hoạt động nhân đạo ở Gaza, bà Sigrid Kaag, cảnh báo hậu quả tồi tệ nếu Israel mở rộng chiến dịch quân sự ở Rafah.
Phát biểu trước báo giới ở Brussels (Bỉ) ngày 19/2 sau cuộc gặp Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), bà Sigrid Kaag nhắc lại quan ngại của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về nguy cơ tổn thất của dân thường ở mức thảm họa nếu Israel tấn công Rafah.
Bà Sigrid Kaag cho biết: “Có hơn một triệu người đang sống trong cảnh bị nhồi nhét ở Rafah. Trong thành phố này, hơn một triệu người phải sống trong các khu nhà tạm, nhiều trong số đó là lán nhựa. Điều kiện y tế đặc biệt đáng lo ngại.”
Điều phối viên cấp cao của Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng đưa hàng cứu trợ vào Gaza và phân phối đến tay những người có nhu cầu cấp thiết.
Hiện tại, giao tranh trên thực địa tại Gaza vẫn tiếp diễn. Báo cáo của Văn phòng điều Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 19/2 cho biết Israel duy trì các đợt tấn công cường độ cao cả bằng đường bộ, đường không và đường biển nhằm vào Gaza.
Theo OCHA, giao tranh giữa quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestines ở Gaza diễn ra ác liệt trên diện rộng, đặc biệt là ở Khan Younis và Deir al Balah.
Từ ngày 17-19/2, các nhóm vũ trang người Palestine cũng phóng hàng chục quả rocket vào Israel.