Kinh tế

Tài chính

38 cá nhân có thu nhập "khủng" từ Google bị phạt 169 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 38 cá nhân có thu nhập từ Google với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp lên đến 169 tỷ đồng.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)


Một cá nhân có thu nhập "khủng" từ Google, nhưng không kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân đã bị Chi cục Thuế khu vực Quận 7-Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) truy thu và phạt tới 31 tỷ đồng.

Theo ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị này đã xử lý 38 cá nhân có thu nhập từ Google với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp lên đến 169 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số này, có một cá nhân bị Chi cục Thuế khu vực quận 7-Nhà Bè truy thu và phạt 31 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng xử lý 3 doanh nghiệp với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 327 triệu đồng.

Việc truy thu thuế này được thực hiện dựa trên thông tin do 4 ngân hàng thương mại cung cấp cho cơ quan thuế các tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google. Tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trên nhận từ nước ngoài hơn 51,2 triệu USD và 21,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết quả thanh tra một công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài Google tại Việt Nam (thường gọi là MCN - Multi Channel Network, hệ thống mạng lưới đa kênh) làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube tự sản xuất nội dung số và có chi hộ tiền của Google cho các cá nhân là các YouTuber tại Việt Nam với số thuế xử lý truy thu và phạt là 24,3 tỷ đồng.

Ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc tăng cường quản lý thu đối với hoạt động thương mại điện tử là một trong những chuyên đề sâu của ngành thuế nói riêng và ngành tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nói chung trong năm 2022.

Để quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số, trong thời gian qua, cơ quan này đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tự giác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định.

Đồng thời, xây dựng cơ chế cung cấp thông tin cũng như thanh tra định kỳ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền bán hàng (COD) của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số cho cơ quan thuế.

Song song đó, cơ quan thuế yêu cầu các doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn đề nghị các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, các doanh nghiệp chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải định kỳ cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân trên địa bàn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho Cục thuế thành phố.

Hàng năm, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra ít nhất 50% các doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử đóng trên địa bàn Thành phố  Hồ Chí Minh.

Cơ quan thuế cũng thực hiện kiểm tra công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài Google tại Việt Nam (MCN). Qua kiểm tra, các MCN khai thác thêm các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp dịch vụ trực tuyến cho các tổ chức nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế, để kiểm tra, xử lý truy thu thuế.

Ngoài ra, việc truy thu thuế có kết quả khả quan nhờ có sự phối hợp với một số các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc cung cấp dữ liệu dòng tiền giao dịch chuyển từ nước ngoài về cho các tổ chức, cá nhân trong nước có nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Apple, Netflix...) do cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số.

Cơ quan thuế cũng đã yêu cầu phía ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ thuế phải nộp của các tổ chức nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google (dịch vụ quảng cáo); Apple (dịch vụ lưu trú dữ liệu trên đám mây, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến; Netflix (dịch vụ xem phim trực tuyến), Agoda, Booking.com (dịch vụ đặt phòng trực tuyến) trước khi chuyển tiền ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quản lý thuế.

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định kinh tế số vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và chiếm phần tỷ trọng lớn của nền kinh tế, do đó yêu cầu quản lý hiệu quả là nhiệm vụ tất yếu hàng đầu.

Để có thể quản lý thu hiệu quả đối với lĩnh vực kinh tế số, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ngoài hàng rào của các chính sách, các quy định pháp luật hỗ trợ cho quản lý Nhà nước rất cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành như thông tin truyền thông, công thương, hải quan, ngân hàng nhà nước... cũng như sự đồng thuận phối hợp của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh trên nền tảng số...

 

Theo H.Chung (TTXVN/ Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm