(GLO)- Ngày 7-1-2019, Vương quốc Campuchia tròn 4 thập kỷ thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, vươn lên hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Kết quả này có được phải kể đến sự đóng góp to lớn của các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam.
Năm 2010, tôi cùng đoàn nhà báo của tỉnh có dịp sang thăm đất nước Campuchia và đã đến tham quan Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng (tức Nhà tù An ninh S21) ở thủ đô Phnom Penh-một trong các di tích về tội ác của Khmer Đỏ. Trường Trung học Toul Svay Prey ở thủ đô Phnom Penh dưới thời Khmer Đỏ đã bị cải hoán thành Nhà tù An ninh S21. Trong 4 năm cầm quyền, Khmer Đỏ đã giam giữ tại đây 17.000 người (chưa tính 2.000 trẻ em bị giết) gồm nhiều quốc tịch, trong đó nhiều nhất là người Campuchia. Trong số những người từng bị giam giữ tại đây chỉ có 14 người sống sót.
Một trong các hố chôn người ở Cánh đồng chết. Ảnh: T.P |
Mặc dù đã được đọc nhiều tài liệu, xem băng hình, nhưng có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến những nhục hình ở S21 mới thấy hết sự dã man của Khmer Đỏ. Ngôi trường có diện tích 600 x 400 m hình chữ L với 2 lầu 1 trệt thực sự là địa ngục trần gian. Cả dãy phòng học trở thành dãy buồng giam dài, xây bằng gạch, đóng khung gỗ, sát nhau, tối om. Tù nhân trong các buồng giam nhỏ bị xích chân bằng sợi xích lớn chôn dưới nền nhà hoặc đóng chặt vào tường, còn tù nhân ở các buồng giam lớn hơn thì bị cùm vào những thanh cùm dài. Lúc chúng tôi đến là đã qua 30 năm nhưng trên tường và sàn nhà vẫn còn loang lổ vết máu thâm đen. Đứng giữa nơi trước đây là địa ngục trần gian, hàng đoàn người đến từ khắp nơi trên thế giới đều cúi đầu kính cẩn, bước đi chầm chậm, nhẹ nhàng như sợ làm kinh động những oan hồn dường như đang còn vất vưởng nơi đây.
Chúng tôi cũng đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm Choeung Ek tức Cánh đồng chết (Killing Field), cách thủ đô Phnom Penh khoảng 15 km. Trong các tầng kính chứa hàng vạn chiếc đầu lâu và xương người, nhiều chiếc đầu lâu vẫn còn tấm vải che mắt. Phía sau Đài tưởng niệm là hàng trăm hố lớn nhỏ dọc hai bên con đường mòn, mỗi hố chôn vài trăm, có hố vùi đến 400 thi thể. Những chiếc thùng nhỏ bằng kính còn lưu giữ quần áo, xương của nạn nhân. Những cây thốt nốt sau hơn 30 năm mà vết vỡ toác, ăn sâu vào gốc cây do bọn đồ tể Khmer Đỏ túm chân quật đầu trẻ em vào đó rồi quăng vào hố vẫn chưa thể liền vỏ. Không biết bao nhiêu máu thịt của người dân Campuchia vô tội đã ngấm xuống nơi này, nhưng theo người quản lý di tích Cánh đồng chết, những ngày mưa nước đọng trong hố vẫn còn màu đỏ...
Đã 4 thập kỷ tính từ ngày xứ sở Chùa tháp thoát khỏi nạn diệt chủng. Đến nay, trên cõi hoang tàn đổ nát năm xưa, nhân dân Campuchia đã và đang nỗ lực xây dựng một vương quốc tươi đẹp. Sản xuất nông nghiệp và du lịch đang chứng tỏ thế mạnh của mình. Năm 2018, Campuchia thu hoạch đạt xấp xỉ 11 triệu tấn thóc, xuất khẩu gần 700 ngàn tấn gạo, 200 ngàn tấn cao su... Năm 2017, doanh thu từ du lịch của Campuchia đạt 3,63 tỷ USD, đón 5,6 triệu lượt du khách quốc tế; năm 2018 (chưa có con số thống kê chính thức) dự kiến đạt 6,1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu vượt 4 tỷ USD.
Sau 40 năm, các thế hệ người dân Campuchia vẫn luôn trân trọng biết ơn những người lính tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã đổ bao xương máu để đất nước Chùa tháp thoát nạn diệt chủng, hồi sinh. Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh và tại các đô thị khác lúc nào cũng rực rỡ hoa tươi và luôn đón nhiều lượt người trên khắp đất nước về đây thăm viếng. Máu và ân tình Việt Nam thấm đẫm mảnh đất Campuchia, trở thành biểu tượng thiêng liêng của tình đoàn kết hữu nghị lâu đời, bền vững.
Thanh Phong