Trang sử hào hùng
Trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân các dân tộc Gia Lai phối hợp cùng quân chủ lực Tây Nguyên đã liên tục tiến công và nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân.
Trên khắp các địa phương trong tỉnh, từ quận lỵ Pleiku, An Khê, Phú Bổn đến vùng nông thôn, dọc biên giới đều rợp bóng cờ báo tin vui đại thắng. Thắng lợi của Gia Lai cùng các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần thúc đẩy sự suy sụp nhanh chóng của ngụy quân, ngụy quyền, tạo thuận lợi để quân và dân ta tấn công, nổi dậy giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung, Đông Nam Bộ, tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được những kết quả tích cực. Ảnh: Hòa Carol |
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh nhà tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập. Qua các kỳ đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, lãnh đạo Nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh, phát triển sản xuất, từng bước ổn định, nâng cao đời sống.
Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định đời sống người dân, trấn áp kịp thời bọn phản động FULRO và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tiếp theo.
Chỉ sau hơn 1 năm giải phóng, từ một địa bàn bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ, hơn 1/3 số dân bị đói phải cứu trợ đã trở lại nhịp sống hòa bình, kinh tế-xã hội ổn định, trật tự an ninh đảm bảo, chính quyền cơ sở được củng cố; đồng bào các dân tộc đều được hưởng các chính sách tự do, bình đẳng, mọi công dân đều được tạo điều kiện vươn lên trong xã hội, làm chủ cuộc sống.
Đến năm 1985, Gia Lai đã vượt qua khó khăn, vươn lên đạt những thành tích mới trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tổng sản phẩm xã hội tăng 1,39 lần, thu nhập quốc dân tăng 1,45 lần so với năm 1976; cơ bản đã giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ; định canh, định cư được hơn 1/4 đồng bào các dân tộc, từng bước tiến tới xóa nạn mù chữ, hạn chế bệnh sốt rét...
Thành phố Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Phan Nguyên |
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (năm 1986), nhất là sau hơn 30 năm tái lập tỉnh (năm 1991), Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Hiện nay, Gia Lai đang trên đà phát triển bền vững, trở thành vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, là nơi giao lưu, gặp gỡ của văn hóa và phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Gia Lai đang trên đà phát triển bền vững, trở thành vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, là nơi giao lưu, gặp gỡ của văn hóa. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
Để đạt được những thành tựu, trước hết là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn, nhất là chủ trương đổi mới và chiến lược hội nhập của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được Đảng bộ tỉnh tiếp thu, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn.
Các thế hệ cán bộ trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã cùng nhau đoàn kết, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ quyền lợi của Nhân dân, phấn đấu bền bỉ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, vì sự phát triển và hội nhập toàn diện của tỉnh trong thời kỳ mới.
Chung tay xây dựng Gia Lai mạnh giàu
Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, triển khai các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy và nghị quyết đại hội Đảng các cấp, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 7,83% (tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11,3%; giai đoạn 2010-2015 đạt 7,05%).
Năm 2022, GRDP đạt 9,27%. Quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên (năm 2011 thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng, năm 2015 đạt 35 triệu, năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng, năm 2022 đạt 60,45 triệu đồng).
Thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, nhưng đến năm 2022 đã đạt 5.474 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001-2005 đạt gần 13 ngàn tỷ đồng; giai đoạn 2006-2010 đạt trên 31,5 ngàn tỷ đồng; 2015 đến 2020 đạt 114.403 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 13,95%; riêng năm 2022 ước đạt 40.000 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu hút đầu tư có bước khởi sắc, các dự án đầu tư không ngừng tăng lên cả về số lượng lẫn quy mô, lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều thành tựu quan trọng (toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện, 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 104 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số); bình quân đạt 16,06 tiêu chí nông thôn mới/xã.
Gia Lai đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Ảnh: Trần Dung |
Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa-xã hội, thể dục thể thao, khoa học-công nghệ, y tế, báo chí truyền thông… có những chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh (năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,96%). Quốc phòng-an ninh được củng cố vững chắc, chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được những kết quả tích cực và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tận tụy với công việc của cán bộ, đảng viên.
Toàn Đảng bộ hiện có 65.128 đảng viên, trong đó có nhiều tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua thực tế đã xuất hiện nhiều tấm gương của các tập thể và cá nhân tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ. Mặt trận và các đoàn thể đã tập trung hướng về cơ sở, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, quyền làm chủ của người dân được phát huy, người dân ngày càng tin vào Đảng, Nhà nước và tin vào tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Gia Lai đã vượt qua khó khăn, vươn lên đạt những thành tích mới trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ảnh: Phạm Quý |
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra, quyết tâm xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên, đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên và mỗi người dân trên tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), nhất là 4 chương trình trọng tâm: tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, tạo cơ sở cho việc tăng tốc, phát triển toàn diện trong những năm đến, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp, văn minh.
HUỲNH THẾ MẠNH
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy