Hạt gạo ngon nhất thế giới; Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam; lần đầu tiên sữa tươi Việt được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc... là những dấu ấn mà ngành nông nghiệp xác lập trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn.
1. Việt Nam có gạo ngon nhất thế giới
Những ngày cuối năm 2019, tin vui đến với ngành lúa gạo Việt Nam khi gạo ST25 của Việt Nam đã được trao giải “Gạo ngon nhất thế giới” sau khi xuất sắc vượt qua những đối thủ đáng gờm như Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World’s Best Rice. Ngay sau đó, cha đẻ của giống gạo này, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua đã được nhận bằng khen của Bộ NNPTNT, giống gạo ST25 cũng được công nhận đặc cách trong những ngày cuối năm 2019.
Cá tra Việt có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: T.L
Đây có thể là tín hiệu vui cho ngành lúa gạo khi trong năm 2019, bức tranh phát triển của ngành có phần u ám khi không giữ được đà tăng trưởng như 2018, khối lượng xuất khẩu tăng 4,8% nhưng giá trị thu về lại giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng thấp hơn các đối thủ, có thời điểm còn tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Lượng gạo xuất sang Trung Quốc (thị trường trọng điểm của Việt Nam) lại sụt giảm tới 67%.
Thừa nhận xuất khẩu gạo gặp khó, song, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét doanh nghiệp, nông dân chuyển dịch thị trường rất tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đã mở rộng thị trường, tìm được đường sang châu Mỹ. Việc ST25 được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới” có thể mở ra cơ hội để xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.
2. Cá tra Việt ngang cơ Mỹ
Năm 2019 ngành thủy sản cũng đón nhận tin vui sau những khó khăn về mặt thị trường khiến xuất khẩu cá tra giảm, giá cá tra nguyên liệu xuống thấp nên nông dân thua lỗ. Ngày 31/10, Mỹ chính thức công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ.
Đây là điều chưa từng có, bởi từ trước đến nay vấn đề liên quan đến ATTP luôn là rào cản khiến nông sản Việt khó đặt chân vào được những thị trường khó tính.
Đáng chú ý, hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam được Mỹ đánh giá đạt mức cao nhất (80%) so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Trung Quốc (57%) và Thái Lan (40%).
Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), hệ thống kiểm soát ATTP của Mỹ là hệ thống khắt khe nhất thế giới, thậm chí còn đánh giá khắt khe hơn cả khối châu Âu.
Nhưng, cuối cùng Mỹ cũng đã chính thức công nhận hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam tương đương với họ. Điều này sẽ là cơ hội để cá tra Việt thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ cũng như tiếp cận nhiều thị trường khó tính khác.
3. Sữa tươi xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc
Giữa tháng 10/2019, lễ công bố sữa Việt Nam được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư ký giữa hai nước, đánh dấu bước ngoặt của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam, một ngành được đánh giá không có nhiều lợi thế về giống, đồng cỏ, công nghệ nhưng những năm trở lại đây đã phát triển vượt bậc, tạo nên một kỳ tích về ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới.
Đánh giá về sự kiện này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Trung Quốc là thị trường lớn với dân số hơn 1,42 tỷ người, thu nhập trung bình hơn 10.000 USD/người/năm, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản lên tới 160 tỷ USD/năm tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi 9-10 tỷ USD, thủy sản và sản phẩm thủy sản 8-10 tỷ USD, thịt và sữa 9-10 tỷ USD, gạo 2-2,5 tỷ USD.
Những lô sữa chính ngạch đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của ngành nông nghiệp Việt Nam. Qua đó, chứng tỏ chất lượng nông sản Việt có thể đáp ứng được những yêu cầu cao nhất.
4. Lâm sản lên “ngôi vương”
Lễ công bố xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc. Ảnh: T.Q
Thời điểm cuối năm 2019, ngành nông nghiệp lại đón thêm một tin vui khi xuất khẩu lâm sản thiết lập kỷ lục mới, thu về 11 tỷ USD, tăng gần 105% so với kế hoạch. Đáng chú ý, trong đó xuất siêu tới gần 8 tỷ USD. Với kết quả trên, ngành lâm nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng như kỳ vọng của vị tư lệnh ngành Nguyễn Xuân Cường là trở thành một trong hai ngành hàng bệ đỡ cho tăng trưởng nông nghiệp năm 2019.
Sau 14 năm phát triển, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu ASEAN về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Sản phẩm gỗ nước ta cũng có mặt tại 120 thị trường.
5. Xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu
Năm 2019, sau hành trình gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước có 4.665 xã (chiếm 52,4% - vượt mục tiêu đề ra) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tăng 827 xã (9,3%) so với cuối năm 2018. Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Thu nhập của người dân tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm.
Cả nước có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 8 địa phương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Khánh Nguyên (Dân Việt)