Kinh tế

Giá cả thị trường

80% người tiêu dùng ưu tiên chọn hàng Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng với đó, nhận thức của doanh nghiệp về thị trường nội đã thay đổi và đang mở rộng kênh phân phối tại các chợ truyền thống, nông thôn.

Hiệu ứng từ Cuộc vận động…

Qua 2 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được sự hưởng ứng ngày càng rõ nét của người sản xuất và người tiêu dùng, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của người Việt Nam và dần xóa bỏ tâm lý thích hàng ngoại của 1 bộ phận người dân.

Đến nay, 80% người tiêu dùng đã ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt, nhận thức của doanh nghiệp về thị trường nội đã thay đổi với kênh phân phối tại các chợ truyền thống, đưa hàng hóa đến tận nông thôn.

Cũng như nhiều người dân ở Thủ đô Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Hương, ở Bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai, từ nhiều năm nay đều dùng sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Theo chị, hàng Việt trước đây chất lượng không tốt lắm nhưng bây giờ chất lượng ngày càng được cải thiện mà giá cả phải chăng.

 
Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt đang tăng cường khích lệ hành động dùng hàng Việt
Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt đang tăng cường khích lệ hành động dùng hàng Việt

Chị Hương cho rằng: “Gia đình tôi thường xuyên sử dụng hàng Việt Nam bởi vì hàng Việt chất lượng tốt và giá cả hợp lý, phù hợp với người dân Việt Nam. Ngày xưa do suy nghĩ dùng hàng Việt Nam chất lượng không tốt nên nhiều người cũng như cá nhân tôi không có thói quen dùng hàng Việt Nam. Nhưng bây giờ chất lượng đã cải thiện mà giá cả phù hợp nên tôi thường xuyên sử dụng hàng Việt Nam”.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sau 2 năm triển khai Cuộc vận động, đến nay, 90% người tiêu dùng tại TP HCM lựa chọn hàng Việt; thành phố Hà Nội là 83%. Trong đó, 59% số người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt. Những năm qua, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng đóng góp không nhỏ vào việc nâng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp ngòai việc tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người sử dụng cũng có những phương thức để đưa hàng đến với người sử dụng.

Bà Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Hiện nay, chúng ta đưa hàng Việt vào các siêu thị hiện đại rất tốt như: Siêu thị Co,op Mart hay Vinatex có trên 90% hàng Việt. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài như Metro, Big C bây giờ cam kết với các địa phương và Bộ Công Thương là hàng bán trong siêu thị là 80- 90% hàng Việt Nam”.

Phải chống hàng lậu, nâng chất lượng hàng nội

Hai năm qua, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp cũng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Cuộc vận động. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2012 phát huy hiệu quả, theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cơ quan chức năng cần phải kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu từ biên giới, chống độc quyền, nhất là với những sản phẩm nhập khẩu, hay nguyên liệu nhập khẩu.

Ông Nam nhấn mạnh: “Muốn sản xuất trong nước mà không chống hàng lậu thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không thể nào dám đầu tư cho sản xuất; không dám thay đổi thiết bị thì không có sản phẩm chất lượng tốt, không thể giữ được thị trường. Người tiêu dùng có yêu nước đến thế nào nhưng chất lượng cũng sẽ là điều họ quyết định lựa chọn”.

Đánh giá về thành công của Cuộc vận động, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động khẳng định: “Cuộc vận đồng đã được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, đơn vị có cách làm sáng tạo, đạt kết quả thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất và ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, thương hiệu Việt Nam. Cuộc vận động có ý nghĩa sâu sắc cả trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà”.

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát huy hơn nữa hiệu quả và lan toả sâu rộng đến mọi người dân, doanh nghiệp cần tập trung sản xuất hàng hoá với mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh, đồng thời xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp để đưa hàng về nông thôn một cách thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cần xây dựng chế độ chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn như: Ưu đãi về vốn, phối kết hợp với các doanh nghiệp để tổ chức kênh phân phối một cách có hiệu quả. Thành công lớn nhất của cuộc vận động chính là làm cho mỗi người dân, doanh nghiệp hiểu rằng, việc sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng và sử dụng hàng Việt Nam là thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước của mình.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm