(GLO)- Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, diện mạo của tỉnh Gia Lai đã có sự đổi thay toàn diện trên tất cả các mặt. Thành quả đó có được là nhờ sự hy sinh, cống hiến không ngừng của bao thế hệ. Tiếp nối truyền thống đáng tự hào ấy, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Trung dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhiều đảng viên, chiến sĩ cách mạng đã lên hoạt động tại Gia Lai, xây dựng, phát triển phong trào cách mạng trong đồn điền và một số địa phương. Từ tháng 4 đến tháng 6-1945, tổ chức Đoàn Thanh niên Gia Lai được thành lập với nhiều hoạt động tiến bộ, là lực lượng nòng cốt lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng hơn một tuần cuối tháng 8-1945, cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh đã thắng lợi trọn vẹn. Hệ thống chính quyền cai trị của thực dân và phong kiến bị xóa bỏ hoàn toàn, bộ máy chính quyền cách mạng được thiết lập trong toàn tỉnh. Ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn.
Thành phố Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Quang Tấn |
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhân dân ta mong được sống trong hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Song thực dân Pháp lại dã tâm xâm lược nước ta lần nữa. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc và sự trường tồn của dân tộc, đồng bào các dân tộc Gia Lai đã đem hết sức người, sức của để cùng Nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến. Đồng bào các dân tộc Gia Lai đã hưởng ứng tích cực các phong trào do Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh phát động như: tiêu thổ kháng chiến, quyên góp của cải để xây dựng Quỹ Độc lập, Quỹ Kháng chiến, Quỹ Cứu trợ trong các đợt phát động “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ Việt Minh; lập những làng chiến đấu, khu căn cứ bất khả xâm phạm như: Stơr, Soáp Dùi, xã Gào... Trong 9 năm kháng chiến, Nhân dân Gia Lai đã lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu như chiến thắng Đak Pơ, trận đánh cầu Suối Vối, cầu Rộc Dứa... làm thất bại từng bước âm mưu nham hiểm, xảo quyệt của kẻ thù, tiến lên giải phóng, làm chủ đại bộ phận vùng nông thôn, siết chặt vòng vây quân địch ở thị xã Pleiku và thị trấn Cheo Reo, góp phần cùng quân và dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, kẻ thù lại buộc chúng ta phải cầm vũ khí để bảo vệ thành quả cách mạng, thực hiện chân lý thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Trong 21 năm trường kỳ kháng chiến, lớp lớp con em các dân tộc tỉnh nhà đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc trên mọi chiến trường. Nhiều tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại. Đó là những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt. Đó là những chiến công vang dội như: chiến thắng Plei Me; chiến thắng Cheo Reo, Phú Bổn; Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch Xuân-Hè 1972…; góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng Gia Lai vào ngày 17-3-1975 và góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
Nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội
Sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, trấn áp kịp thời bọn phản động FULRO và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Campuchia. Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực chủ động hợp tác và kêu gọi đầu tư để từng bước xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng phát triển.
Từ chỗ toàn tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém; tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, những năm qua, quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh không ngừng tăng lên (năm 2011 thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng, năm 2015 đạt 35 triệu đồng, năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng, năm 2021 đạt 56,31 triệu đồng). Thu ngân sách năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, nhưng đến năm 2020 đã đạt 4.628 tỷ đồng, năm 2021 đạt 7.881,8 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001-2005 đạt gần 13 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2006-2010 đạt trên 31,5 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2010-2015 đạt 60,7 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2015-2020 đạt hơn 114,4 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 13,95%; riêng năm 2021 đạt 70 ngàn tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm. Hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến năm 2021, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,38%, công nghiệp-xây dựng chiếm 23,41%, dịch vụ chiếm 40,58%, thuế sản phẩm chiếm 5,63%. Ngành công nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, sản xuất theo chuỗi giá trị và khai thác thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Đến năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 24.801 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015, tăng bình quân hàng năm 8,2%. Ngành dịch vụ tăng trưởng khá, tốc độ bình quân đạt 8,76%. Du lịch có sự chuyển biến tích cực. Tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển với mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Một tiết học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà |
Chất lượng giáo dục, khám-chữa bệnh, thực hiện các chính sách xã hội đạt được nhiều thành tựu. Giáo dục và đào tạo phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng. Mạng lưới cơ sở giáo dục-đào tạo tiếp tục mở rộng. Toàn tỉnh có 1.029 cơ sở giáo dục, gồm 265 trường mầm non, 495 trường phổ thông, 268 trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm giáo dục thường xuyên. Công tác giáo dục dân tộc từng bước được nâng lên cả về quy mô và chất lượng; tỷ lệ huy động học sinh đến lớp, học sinh khá, giỏi và tốt nghiệp phổ thông tăng đều qua các năm. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển; trang-thiết bị phục vụ khám-chữa bệnh ở các tuyến được quan tâm đầu tư. Mạng lưới khám-chữa bệnh được bố trí theo các tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, bảo đảm tính liên tục về cấp độ chuyên môn. Các bệnh viện chuyên khoa dần đi vào hoạt động ổn định.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việc thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn 4,5% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ qua các giai đoạn lịch sử. Đồng thời, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, hiện đại, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển của tỉnh tuy không dài so với chiều dài lịch sử của dân tộc, song những chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cùng những thành tựu to lớn trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới là minh chứng hùng hồn cho khát vọng độc lập, tự do; ý chí kiên cường, bất khuất; tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, quyết tâm vươn lên của quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.
TỐNG THỚI MỐC