Thời sự - Bình luận

9.000 lời kêu cứu và "cờ" đang trong tay Bộ Công Thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiết khấu phải được ghi nhận vào công thức tính giá xăng dầu cơ sở như một khoản chi phí ở khâu bán lẻ - kiến nghị trong đơn “kêu cứu” khẩn cấp của các doanh nghiệp sở hữu gần 9.000 cửa hàng bán lẻ gửi tới các bộ ngành
Các cửa hàng xăng dầu ngừng bán kể cả ở miền núi cũng sẽ ngay lập tức bị kiểm tra vì thế, đại lý phải bán dù chiết khấu 0 đồng, dù mỗi lít bán ra lỗ bao nhiêu chăng nữa. Ảnh: Anh Thúy

Các cửa hàng xăng dầu ngừng bán kể cả ở miền núi cũng sẽ ngay lập tức bị kiểm tra vì thế, đại lý phải bán dù chiết khấu 0 đồng, dù mỗi lít bán ra lỗ bao nhiêu chăng nữa. Ảnh: Anh Thúy

Sau khi Bộ Công Thương muốn “nhường” toàn bộ việc điều hành xăng dầu, tính toán các chi phí cho Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã có phúc đáp, đại ý rằng: Không! Rằng: Việc thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở.

Quả bóng ban sang nay lại được chuyền về, như một sự hắt hủi, không ai muốn dây vậy.

Mà cái sự "hắt hủi" này không chỉ ở thẩm quyền điều hành giá. 9.000 lời kêu cứu từ các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đang cho thấy kinh doanh xăng dầu không còn “béo bở” như trước.

Sự hắt hủi với đại lý bán lẻ được một doanh nhân giải thích, đại ý: Khi giá xăng dầu ổn định, đại lý được các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối chiết khấu từ 600 - 1.200 đồng/lít. Có những thời điểm thậm chí lên tới 1.500 - 2.000 đồng/lít.

Nhưng khi có biến động về giá, công thức tính giá chưa cập nhật đủ các yếu tố cấu thành khiến biên độ lợi nhuận bị thu hẹp, các thương nhân đầu mối sẽ ngay lập tức giảm, hoặc cắt phăng hoa hồng bán lẻ.

Mức chiết khấu 0 đồng, khiến mỗi lít bán ra lỗ thậm chí đến 1.200 đồng là từ đó mà ra.

Phải mở ngoặc, tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu, đại lý chỉ được mua hàng từ duy nhất một đầu mối.

Chiết khấu 0 đồng cũng vẫn phải chấp nhận vì không được phép mua của bất kỳ một đại lý nào khác.

Lỗ 1.200 đồng cũng vẫn phải bán. Bởi nếu không bán ngay lập tức bị phạt.

Tình thế trên đe dưới búa, những lời kêu cứu này xuất phát từ lỗi điều hành của cơ quan điều hành giá. Từ việc bị bắt buộc mua hàng của duy nhất một đầu mối. Và sự những tầng nấc trong phân phối.

Bộ Tài chính, khi “lắc đầu” với việc toàn quyền điều hành giá để trả lại cho Bộ Công Thương, chắc không ngẫu nhiên “mở ngoặc” một số đề nghị.

Rằng Bộ Công Thương cần rà soát, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối; quy định mức thù lao tối thiểu đối với đại lý bán lẻ, đảm bảo cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung. Tránh tình trạng có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.

Bộ Tài chính cũng đề nghị đại lý xăng dầu “được mua hàng của các công ty phân phối khác về xăng dầu".

Khiếm khuyết nổi cộm, bất cập vô lý đã rõ. Và “Cờ” thì đang trong tay Bộ Công Thương.

Sẽ chẳng còn ai để đổ lỗi nữa nếu tình trạng khan hiếm xăng dầu, rối loạn thị trường vẫn xảy ra.

Có thể bạn quan tâm