Kinh tế

ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 1
 
Ngày 28-9, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2010 từ 6,5% lên 6,7%, trong năm 2011 từ 6,8% lên 7%, đồng thời hạ mức dự báo lạm phát năm 2010 xuống 8,5% và năm 2011 xuống 7,5%.
Lý do được đưa ra là Việt Nam đã thành công trong quá trình chuyển đổi từ việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008-2009 sang các chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng ổn định.
Báo cáo cũng đã ghi nhận những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam thực hiện để bình ổn nền kinh tế đã góp phần cải thiện dự trữ ngoại hối. Với việc cải thiện tài khoản vốn, cán cân thanh toán tổng thể có thể sẽ chuyển sang mức thặng dư nhỏ trong quý II năm 2010 sau khi liên tục thâm hụt kể từ đầu năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế trong quý I đã có tốc độ nhanh hơn.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết, kể từ cuộc họp báo về Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2010 vào tháng 4-2010, Việt Nam đã củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô của mình và với kết quả đó ADB đã điều chỉnh theo hướng tăng mức dự báo tăng trưởng của chúng tôi cho năm 2010 và 2011, đồng thời hạ mức dự báo về tỷ lệ lạm phát.
Báo cáo đặc biệt ghi nhận việc Quốc hội đã thông qua 2 luật vào tháng 6-2010: Luật mới về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, cùng với nhiều văn bản pháp quy được Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khác ban hành đánh dấu tiến bộ quan trọng trong việc củng cố khuôn khổ thực hiện các chính sách tiền tệ và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho giai đoạn 10 năm tiếp theo với tư cách là một nước có mức thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải cẩn trọng trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, truyền đạt một cách có hiệu quả đường lối chính sách đó đến người dân đồng thời tiếp tục thúc đẩy các cải cách.
“Việt Nam cần tiếp tục những nỗ lực để đảm bảo người dân nói chung có hiểu biết hơn về đường lối chính sách của Việt Nam thông qua việc cung cấp các thông tin và số liệu kịp thời và đầy đủ hơn. Điều này không chỉ áp dụng đối với Chính phủ mà còn đối với cả khu vực doanh nghiệp. Để nâng cao năng lực quản trị cho cả các doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân, yếu tố chủ chốt là cần cung cấp thông tin có chất lượng và kịp thời cho chủ sở hữu doanh nghiệp, các cổ đông và các nhà đầu tư tiềm năng”, ông Konishi nhấn mạnh.
Năm 2009, ADB đã phê duyệt 16,1 tỷ USD cho các hoạt động cấp vốn thông qua các khoản cho vay, viện trợ không hoàn lại, bảo lãnh, chương trình tạo thuận lợi cho cấp vốn thương mại, đầu tư cổ phần và các dự án hỗ trợ kỹ thuật. ADB cũng đã huy động các nguồn vốn đồng tài trợ trị giá 3,2 tỷ USD.
Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á và Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á là những báo cáo kinh tế chính của ADB phân tích tình hình và triển vọng kinh tế tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Hai Báo cáo này được công bố vào tháng 4 và tháng 9 hàng năm.
Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Thường niên lần thứ 44 của ADB tại Hà Nội vào tháng 5-2011.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm