Kinh tế

Agribank An Khê: Ưu tiên vốn cho nông hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 3 năm trở lại đây, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh An Khê (Agribank An Khê, Gia Lai) đã có bước bứt phá ngoạn mục trong hoạt động kinh doanh, khẳng định vị thế, thị phần hàng đầu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tập trung đầu tư cho nông hộ phát triển sản xuất kinh doanh là định hướng xuyên suốt trong hoạt động của Agribank An Khê. Điều này thể hiện rõ qua tỷ trọng dư nợ khách hàng hộ cá nhân chiếm gần 90% tổng dư nợ của đơn vị. “Địa bàn các xã đa phần là các món vay mang tính chất nhỏ lẻ nhưng sử dụng vốn hiệu quả nên chúng tôi rất yên tâm đầu tư”-ông Phạm Đồng Thanh-Giám đốc Agribank An Khê, khẳng định. Thông qua các chính sách ưu đãi về phí, mức lãi suất cạnh tranh thấp hơn 0,2-0,5% so với các đơn vị khác, Agribank An Khê đã đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, mở rộng nền khách hàng ở các xã-địa bàn vốn bị bỏ ngỏ một thời gian trước đó. Từ nguồn vốn của Chi nhánh, nhiều nông hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh hiệu quả; hiện có 4.000 khách hàng giao dịch tín dụng cùng với 12.000 khách hàng tiền gửi và thanh toán.

 

Cán bộ tín dụng Agribank An Khê trao đổi với bà Nguyễn Thị Điệp về hoạt động chăn nuôi của trang trại. Ảnh: S.C
Cán bộ tín dụng Agribank An Khê trao đổi với bà Nguyễn Thị Điệp về hoạt động chăn nuôi của trang trại. Ảnh: S.C

Là khách hàng truyền thống của Agribank An Khê nên khi chuyển hướng kinh doanh sang chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Điệp (thôn 3, xã Thành An) đã quyết định vay thêm vốn để đầu tư trang trại bài bản, quy mô. “Gia đình tôi mở trang trại nuôi heo từ năm 2014. Hiện tại, trang trại có 50 con heo nái và gần 400 con heo thịt, heo con. Đầu tư cho trang trại đòi hỏi rất nhiều vốn, nếu không có thêm vốn ngân hàng để xoay xở thì tôi gặp rất nhiều khó khăn”-bà Điệp bộc bạch. Nhờ có đầu ra ổn định nên mỗi tháng, trang trại của bà Điệp xuất chuồng 50 con heo thịt. Để giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi nhuận, bà Điệp đã đầu tư đào ao thả cá, trồng 4 sào ớt, vài trăm cây dừa xiêm, nuôi hơn chục con bò và đàn gà đá. Nhờ đó, trang trại của gia đình hoạt động rất ổn định, vượt qua được giai đoạn heo rớt giá. “Năm 2017, khi giá heo hơi giảm mạnh và kéo dài, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Agribank An Khê đã kịp thời chia sẻ và hỗ trợ tôi bằng việc giảm lãi suất một thời gian. Đây là điều rất đáng ghi nhận”-bà Điệp cho biết.  

Tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ của Agribank An Khê  đạt 732 tỷ đồng, huy động vốn đạt 821 tỷ đồng, quy mô tín dụng đứng thứ 3 trong hệ thống Agribank Đông Gia Lai. Để đạt được kết quả này, Chi nhánh đã rất nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, tạo được bước tăng trưởng mạnh trong bối cảnh thị phần ngày một thu hẹp khi trên địa bàn có tới 8 ngân hàng và 1 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động. Giám đốc Chi nhánh Phạm Đồng Thanh chia sẻ: “Các năm trước, tổng dư nợ của đơn vị chỉ khoảng trên 300 tỷ đồng. An Khê đã thực sự tăng trưởng “nóng” khi dư nợ tín dụng năm 2017 tăng tới 46% so với năm 2016, huy động vốn đạt cao. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, nợ xấu chỉ chiếm 0,2%. Kết quả này đã minh chứng niềm tin của khách hàng và uy tín của thương hiệu Agribank trên địa bàn”.

Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc tập trung cho thị trường nông nghiệp, nông thôn và hộ sản xuất, Chi nhánh tiếp tục mở rộng đầu tư cho doanh nghiệp. Hiện tại, dư nợ cho doanh nghiệp đạt 104 tỷ đồng/22 doanh nghiệp. Trong khi đó, thị xã có hơn 200 doanh nghiệp và 11 hợp tác xã đang hoạt động. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu tín dụng, áp dụng các chính sách ưu đãi về phí, lãi suất nhằm thu hút khách hàng, tăng tỷ trọng đầu tư cho khối doanh nghiệp 15-20% dư nợ năm nay hoàn toàn phù hợp với định hướng chung của hệ thống. 

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm