(GLO)- Là một trong 5 ngân hàng thương mại nhà nước lớn hoạt động lâu năm trên địa bàn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Gia Lai (Agribank Gia Lai) từ lâu đã là “bà đỡ” quan trọng cho các thành phần kinh tế của tỉnh hoạt động và phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Tính đến 31-8-2012, tổng nguồn vốn Agribank Gia Lai, tỷ lệ tăng là 23,9%; tổng dư nợ nền kinh tế đạt 6.835 tỷ đồng cho các đối tượng vay vốn: hộ sản xuất và cá nhân, doanh nghiệp. Trong đó đáng chú ý là dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt 6.621 tỷ đồng, tăng 1.671 tỷ đồng so với 31-12-2011. Tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh hiện chiếm 96,9% tổng dư nợ, tăng 22,4% so với 31-12-2011 (trong đó nợ xấu chiếm 1,6%, giảm 0,3% so với 31-12-2011).
Mặc dù quy mô hoạt động rộng, đối tượng cho vay nhỏ lẻ, chi phí lớn song thực hiện phương châm đi vay để cho vay, hoạt động đầu tư vốn của Chi nhánh nhiều năm qua được đánh giá là phát huy khá tốt hiệu quả, tạo điều kiện phát triển nhanh nền kinh tế sản xuất hàng hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa; hình thành các vùng tập trung, khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất với thị trường.
Đầu tư tín dụng đã góp phần phát triển mạnh các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn; phát huy vai trò tự chủ của kinh tế hộ, khuyến khích các hình thức kinh tế hợp tác trên các khâu dịch vụ cho sản xuất “đầu vào” như vốn, vật tư, thủy lợi, làm đất, giống, bảo vệ thực vật, dịch vụ thú y và ở “đầu ra” như chế biến, tiêu thụ... Hoạt động hiệu quả, Chi nhánh cũng đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Đặc biệt, nhằm phát triển ổn định và bền vững, hướng đến khai thác lợi thế công nghệ ngân hàng hiện đại, những năm gần đây, Agribank Gia Lai chú trọng vào việc khai thác và phát triển dịch vụ với 3 nhóm sản phẩm dịch vụ thẻ: ATM, POS; mobile banking; liên kết bán chéo. Đến nay, số lượng thẻ đã phát hành của Chi nhánh là 132.508 thẻ gồm 130.527 thẻ nội địa, 1.981 thẻ quốc tế. Số dư trên tài khoản có phát hành thẻ ngày càng cao, số dư đến cuối tháng 8-2012 là hơn 202 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với năm 2011; chất lượng sử dụng tài khoản thanh toán ngày càng được nâng cao.
Công tác phát hành thẻ từ năm 2009 đến nay của Chi nhánh không chỉ phát triển về lượng mà còn về chất, góp phần huy động vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay đa dạng với nhu cầu cao. Cùng với dịch vụ phát hành thẻ, hiện Chi nhánh có 194 điểm chấp nhận thẻ, doanh số phát sinh 15,858 tỷ đồng và 30 máy rút tiền ATM.
Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ mobile banking, tính từ đầu năm đến nay, đã có 10.527 khách hàng đăng ký mới đạt 60,27% so với năm 2011. Và nếu tính từ năm 2009 thì đã có trên 50 ngàn khách hàng sử dụng dịch vụ này của Chi nhánh. Tuy có sự phát triển vượt bậc nhưng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này của Chi nhánh còn thấp so với số lượng khách hàng có tài khoản thanh toán tại ngân hàng cũng như so với tiềm năng to lớn của đông đảo khách hàng nói chung.
Về nhóm sản phẩm dịch vụ bán chéo, 2 sản phẩm đang được triển khai là bảo hiểm cho khách hàng vay vốn (ABIC), thu hộ tiền điện và thu hộ vé máy bay Vietnam Airline. Ngoài dịch vụ thu hộ tiền vé máy bay còn khá mới mẻ, hiện Chi nhánh có 6.782 khách hàng sử dụng dịch vụ ABIC. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, số lượng khách hàng phát triển là 9.347 lượt, tăng thêm 138% so với năm 2011, doanh số đạt 2,929 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu rủi ro cho khách hàng vay vốn cũng như đảm bảo an toàn nguồn vốn của Agribank.
Với dịch vụ thu hộ tiền điện (triển khai từ tháng 12-2010), hiệu quả mang lại khá cao. Đến cuối năm 2011, Chi nhánh có 3.982 khách hàng thanh toán tiền điện tại ngân hàng thường xuyên với doanh số thanh toán đạt 10,377 tỷ đồng. Riêng 8 tháng của năm 2012, có thêm 1.543 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ này. Hiệu quả của các dịch vụ trên là giúp khách hàng quen với việc sử dụng các dịch vụ thanh toán thường xuyên tại ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, giảm lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường, tiết giảm thời gian cho khách hàng và đảm bảo khoản tiền chi trả luôn đúng hạn.
Khai thác và phát triển các dịch vụ là hướng đi ổn định và bền vững đối với bất cứ ngân hàng thương mại đa năng nào, nhất là trong tình hình lạm phát, ngân hàng siết chặt tín dụng, công tác cho vay không phải là cứu cánh để sinh ra lợi nhuận. Vì vậy, đây là phương châm hoạt động, là hướng phát triển chẳng những trong tương lai mà với cả hiện tại đối với các ngân hàng, trong đó có Agribank Gia Lai.
Thất Sơn