(GLO)- Từ cuối năm 2018, Agribank Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tăng cường phối hợp với các tổ chức hội đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân qua tổ vay vốn và ủy quyền cho tổ trưởng thu lãi hàng tháng. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tính đến hết tháng 7-2022, tổng dư nợ tín dụng của Agribank Phú Thiện là 702 tỷ đồng (đạt 94% kế hoạch giao), huy động vốn đạt 601 tỷ đồng (đạt 93% kế hoạch giao). Trong cơ cấu dư nợ tín dụng, dư nợ cho vay từ 200 triệu đồng trở xuống do các tổ hội quản lý là 180,3 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng cấp qua các tổ hội quản lý đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của bà con, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Hòa-Tổ trưởng tổ vay vốn Hội Nông dân (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) cho biết: “Bản thân tôi cũng là hộ vay nên rất thấu hiểu mong muốn của bà con khi vay vốn ngân hàng. Với vai trò, trách nhiệm là tổ trưởng, tôi luôn nhiệt tình giúp đỡ tổ viên trong việc tiếp cận vốn vay, nắm vững các quy trình thủ tục, bám sát tình hình hoạt động của tổ, của tổ viên để trở thành cầu nối đáng tin cậy giữa tổ viên với ngân hàng”.
Cán bộ Agribank Phú Thiện hướng dẫn khách hàng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Ảnh: Sơn Ca |
Agribank Phú Thiện chỉ có 5 cán bộ tín dụng nhưng quản lý gần 3.000 khách hàng vay vốn ở 10 xã, thị trấn. Từ cuối năm 2018 đến nay, đơn vị đẩy mạnh triển khai cho vay khách hàng cá nhân qua tổ vay vốn và ủy thác cho tổ trưởng thu lãi. Đây là phương thức chuyển tải vốn hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thay đổi phương thức quản lý tín dụng gắn với phát triển dịch vụ như mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ATM, ủy quyền thanh toán tiền điện, bảo hiểm xe máy, bảo an tín dụng... Đồng thời, phương thức này giúp giảm bớt áp lực cho cán bộ ngân hàng, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân khi đến kỳ trả lãi; tỷ lệ thu lãi qua tổ vay vốn đạt trên 95%, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố. Ông Bùi Thế Hiển-Tổ trưởng tổ vay vốn Hội Nông dân (tổ dân phố 6, thị trấn Phú Thiện) cho biết: “Thông qua tổ vay vốn, tổ viên được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng kịp thời để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của tổ viên phát triển, có nguồn thu ổn định để trả nợ ngân hàng nên dư nợ tín dụng qua tổ đang giảm so với đầu năm. Có thời điểm dư nợ của tổ lên đến hơn 3 tỷ đồng nhưng đến cuối tháng 7-2022 chỉ còn xấp xỉ 2 tỷ đồng”.
Tương tự, bà Phan Thị Tuyết-Tổ trưởng tổ vay vốn Hội Phụ nữ (buôn Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ake) bày tỏ: “Thông qua tổ vay vốn, tôi và tổ viên bắt đầu tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại như quét mã VietQR trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking để thanh toán khi sử dụng dịch vụ, mua hàng hóa hoặc chuyển tiền, nộp lãi trên ứng dụng ngân hàng điện tử của Agribank. Việc tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại giúp tôi và tổ viên không mất thời gian, công sức đến ngân hàng nộp lãi như trước, thuận tiện hơn rất nhiều”.
Đánh giá về kết quả đạt được sau một thời gian đẩy mạnh triển khai cho vay qua tổ vay vốn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc-Giám đốc Agribank Phú Thiện-cho rằng: “Việc thực hiện văn bản thỏa thuận giữa Agribank Phú Thiện với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện về cho vay qua tổ vay vốn đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Về phía đơn vị đã đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận vốn vay. Việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn đã góp phần truyền tải nguồn vốn tới người dân phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn. Mặt khác, thông qua tổ vay vốn đã tạo điều kiện cho các hội viên gắn bó, học hỏi kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình”.
SƠN CA