Kinh tế

Tài chính

Agribank tại Gia Lai: Vững vàng nội lực, phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xuyên suốt hành trình 33 năm của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank), Agribank Gia Lai và Agribank Đông Gia Lai không ngừng nỗ lực, từng bước đặt nền móng phát triển cả về lượng và chất, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu, uy tín; đồng thời, khơi thông nguồn vốn đưa vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. 
“Tiếp sức” lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Thống kê cho thấy, chiếm 78-80% dư nợ của Agribank tại Gia Lai là khách hàng cá nhân. Với đặc thù thị trường và nhu cầu khách hàng nông nghiệp nông thôn, Agribank đã triển khai cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua các tổ vay vốn, cải tiến phương thức cấp hạn mức tín dụng dưới 300 triệu đồng đối với hộ quy mô nhỏ. Thông qua phương thức cho vay này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn, vừa hạn chế tình trạng “tín dụng đen” khu vực nông thôn.
Tại Agribank Đông Gia Lai, cho vay qua tổ vay vốn có dư nợ 1.905 tỷ đồng; cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ quy mô nhỏ có dư nợ 3.030 tỷ đồng với 24.165 khách hàng. Trong đó, đã cấp hạn mức thấu chi cho 3.393 khách hàng với 44,138 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 31-12-2020 là 15,579 tỷ đồng. Còn tại Agribank Gia Lai, cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ quy mô nhỏ có dư nợ 2.021 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ cá nhân; cho vay qua tổ vay vốn có dư nợ 1.405 tỷ đồng. 
Từ năm 2016 đến nay, Agribank Đông Gia Lai đã đóng góp ủng hộ gần 23 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sơn Ca
Từ năm 2016 đến nay, Agribank Đông Gia Lai đã đóng góp gần 23 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sơn Ca
Tổng dư nợ của 2 chi nhánh Agribank Gia Lai và Agribank Đông Gia Lai đạt gần 22 ngàn tỷ đồng, chiếm 23,1% dư nợ tín dụng toàn ngành Ngân hàng; huy động vốn đạt hơn 11 ngàn tỷ đồng, chiếm 28,6% huy động vốn toàn tỉnh; về thị phần khách hàng, có hơn 250 ngàn khách hàng tiền gửi và hơn 65 ngàn khách hàng vay vốn. 2 chi nhánh lần lượt giữ vị trí thứ nhất và thứ 2 về thị phần huy động vốn; giữ vị trí thứ 2 và thứ 3 về thị phần dư nợ tín dụng trong tốp 4 ngân hàng thương mại hàng đầu địa phương.

Từ thực tế hoạt động của tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý, ông Trần Văn Can-Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn An Thượng 2 (xã Song An, thị xã An Khê) cho biết: “Thôn An Thượng 2 có thuận lợi là nằm dọc quốc lộ 19, đa số bà con làm công nhân Nhà máy MDF, Công ty Lâm sản Hiệp Lợi nên rất thuận tiện cho việc gặp gỡ khách hàng để thẩm định và thu lãi hàng tháng. Định kỳ hàng tháng, thành viên trong tổ có nhu cầu vay vốn thì đến tổ trưởng đăng ký, tôi xem xét thành viên có làm ăn chính đáng hay không để thông tin kịp thời cho cán bộ tín dụng thẩm định cho vay kịp thời”.

Không chỉ khơi thông dòng vốn tín dụng cho nông hộ, các tổ vay vốn còn là nơi để thành viên gửi gắm niềm tin, là “cánh tay nối dài” của Agribank. Ông Jô Thô-Tổ trưởng Tổ vay vốn làng Brong Goai (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) bày tỏ: “Tôi được người dân tin tưởng bầu làm tổ trưởng quản lý 40 tổ viên với dư nợ hơn 3,3 tỷ đồng. Thời gian qua, tôi thực hiện tốt việc ủy quyền thu lãi, sinh hoạt tổ theo định kỳ để thông tin cho bà con về thủ tục, các chính sách vay vốn của ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện nhất nên bà con rất phấn khởi”.

Ông Phạm Đồng Thanh-Giám đốc Agribank An Khê-thông tin: “Trong 5 năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Chi nhánh phát triển theo chiều hướng tích cực, dư nợ năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ tăng trưởng hơn 25%/năm. Tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tới 98%/tổng dư nợ”. 
Qua thời gian cho thấy, vay qua tổ đã hỗ trợ tối đa hộ dân, cá nhân có nhu cầu sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ ở các xã vùng sâu, vùng xa không phải đi lại khó khăn, không cần thực hiện các thủ tục giao dịch tại quầy, nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn. Khi lồng ghép các sản phẩm cho vay, trong đó có hạn mức quy mô nhỏ sẽ giúp hộ vay tránh được áp lực trả nợ khi đến hạn của hợp đồng kéo dài đến 3 năm. Bên cạnh đó, việc thực hiện cấp hạn mức thấu chi có thể giúp khách hàng dễ dàng thanh toán các dịch vụ như: tiền điện, tiền nước, nộp tiền viện phí…
Ưu tiên vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực
Trên tinh thần đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, cả 2 chi nhánh Agribank tại Gia Lai đã chủ động hướng dòng chảy tín dụng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu dư nợ tiếp tục được bố trí hợp lý, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh.
Với tỷ trọng dư nợ pháp nhân chiếm 20%/tổng dư nợ, các chi nhánh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các ngành: thương mại-dịch vụ, nông-lâm nghiệp, tiêu dùng phục vụ đời sống, ngành cà phê, hồ tiêu hoặc sản xuất chế biến gỗ nội thất, sản xuất bê tông thương phẩm, gạch không nung, vật liệu xây dựng; nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản, nhà máy sản xuất nước uống từ dược liệu, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, nhà đầu tư nhà máy chế biến dầu sinh học…
Đáng chú ý, đối với các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, từ kinh nghiệm nhiều năm đầu tư đối với các dự án thủy điện, thời gian qua, cả 2 chi nhánh đã đầu tư một số dự án thủy điện quy mô nhỏ tại các huyện: Chư Păh, Kbang, Krông Pa; một số dự án công trình xây dựng nhà xưởng kết hợp điện mặt trời mái nhà tại huyện Phú Thiện, TP. Pleiku…
Không chỉ ưu tiên vốn cho lĩnh vực này, các khách hàng doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi vốn vay tại Agribank, thời hạn cho vay dài 5-7 năm, tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời mái nhà với mức tài trợ lên đến 10 tỷ đồng.
Cán bộ tín dụng của Agribank Đông Gia Lai kiểm tra tình hình thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà. Ảnh: Sơn Ca
Cán bộ tín dụng Agribank Đông Gia Lai kiểm tra tình hình thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà. Ảnh: Sơn Ca

Ông Trần Ngọc Trương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Ngọc Anh Gia Lai-cho biết: “Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Hàng tháng, chi phí tiền điện chiếm một phần không nhỏ trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, việc Agribank Đông Gia Lai ra mắt gói sản phẩm cho vay ưu đãi điện mặt trời mái nhà là một bước đệm giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu chi phí tiền điện. Hệ thống điện mặt trời thi công nhanh, đấu nối hòa lưới điện nhanh hơn và có hiệu quả kinh tế hơn, vận hành hoàn toàn yên tĩnh và thường có mức bảo trì rất thấp”.

Còn ông Phạm Tiến Dũng-Giám đốc Công ty TNHH Song Nguyên Gia Lai thì bày tỏ: “Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cơ khí. Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn tài trợ của Agribank Đông Gia Lai, Công ty đã đầu tư xây dựng xưởng gia công chế tạo sản phẩm cơ khí tại Cụm Công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku). Điều này giúp Công ty mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

Tiếp nối truyền thống 33 năm của Agribank, sự lớn mạnh không ngừng và thành công hôm nay của Agribank Gia Lai và Agribank Đông Gia Lai là mốc son rất đáng tự hào. Kết quả hoạt động, cả 2 chi nhánh đều có thực lực vững vàng, quy mô hoạt động kinh doanh ổn định là minh chứng giá trị thương hiệu Agribank, tạo dựng niềm tin, uy tín vững chắc của Agribank đối với khách hàng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây cũng là động lực để cả 2 chi nhánh tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò tiên phong, chủ đạo về đầu tư tín dụng cho thị trường nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trong năm 2021, cả 2 chi nhánh đều xác định mục tiêu tăng trưởng bền vững, an toàn và hiệu quả. Ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-nhấn mạnh: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm các dự án và thu hút khách hàng mới. Quan điểm xuyên suốt vẫn là chọn lọc kỹ khách hàng tốt, dự án có hiệu quả, lĩnh vực đầu tư ít rủi ro nhằm kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng gắn với chất lượng. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên tín dụng cho các ngành, lĩnh vực kinh tế có thế mạnh của tỉnh”.
Còn ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai thì khẳng định: “Tín dụng tăng trưởng quy mô nhưng phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng cho vay pháp nhân, tỷ trọng cho vay trung-dài hạn, phát triển mạnh hộ vay quy mô lớn và trung bình. Song song với đó là phát triển sản phẩm dịch vụ, chú trọng sản phẩm dịch vụ hàm lượng công nghệ cao, triển khai các điểm chấp nhận thẻ gắn liền với thẻ thấu chi hạn mức tín dụng nhỏ ở khu vực nông thôn khi đã đặt mục tiêu phát triển 10.000 thẻ thấu chi trong năm nay”.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm