Xã hội

Ai được hỗ trợ tiền mặt do khó khăn vì COVID-19 theo Nghị quyết số 68?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, có 5 chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động do COVID-19.

(Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN)


Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nghị quyết nhằm mục tiêu hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Nghị quyết thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Trong 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, có 5 chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động do COVID-19. Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ.

Lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên sẽ được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Người lao động được hỗ trợ phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Mức hỗ trợ một lần đối với trường hợp tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

Hỗ trợ lao động ngừng việc

Gói hỗ trợ mới được ban hành cũng hỗ trợ người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Ngoài khoản hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động quy định nếu ngừng việc vì do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Hỗ trợ lao động bị chấm dứt hợp đồng

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

 

 Đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sỹ hạng 4 (Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sỹ hạng 4 (Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN)


Hỗ trợ nghệ sỹ hạng 4 và hướng dẫn viên du lịch

Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4 trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 cũng được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Các địa phương hỗ trợ lao động tự do

Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Nghị quyết quy định căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.

Mức hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, lao động đặc thù không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm