Ám ảnh nỗi đau nạo phá thai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thỉnh thoảng ở khu vực nghĩa trang Đồng Nhi (TP. Pleiku), người ta lại thấy những cô cậu trẻ đứng tần ngần rất lâu, mắt ngân ngấn nước. Chẳng hỏi nhưng ai cũng hiểu lý do. Nạo phá thai không chỉ là nỗi ám ảnh, là mặc cảm tội lỗi theo đuổi suốt đời mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau.

Suốt 11 năm chăm lo hương khói ở khu vực nghĩa trang Đồng Nhi, bà Lê Thị Tâm (81 tuổi, trú tại tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Có những người do sinh non, thai tử trong bụng hoặc thai dị tật đành phải bỏ, nhưng đau lòng nhất vẫn là những cô cậu còn rất trẻ trót phạm sai lầm rồi nạo phá thai. Bà Tâm kể: “Có người vội vàng mang hài nhi đến bỏ lên bàn thờ ở khu vực nghĩa trang rồi đi. Có người sau khi bình tâm quay lại hỏi mộ con mình ở đâu để xin nhang khói nhưng kiếm không ra, lại ngồi khóc”.

 

Nghĩa trang Đồng Nhi hiện có gần 22 ngàn ngôi mộ hài nhi vắn số. Ảnh: N.Y
Nghĩa trang Đồng Nhi hiện có gần 22 ngàn ngôi mộ hài nhi vắn số. Ảnh: N.Y

Kể từ khi thành lập (năm 1992) đến nay, nghĩa trang Đồng Nhi đã có gần 22 ngàn ngôi mộ. Sau khi linh mục Nguyễn Vân Đông (trước đây phụ trách Nhà thờ Đức An, TP. Pleiku)-người lập ra nghĩa trang-chuyển đến Giáo phận Kon Tum, nghĩa trang được giao lại cho ông Nguyễn Phước Phụng (SN 1969) quản lý từ năm 2002 đến nay. Ngoài ông Phụng còn có bà Tâm lo hương khói và một người khác giúp việc thu gom hài nhi.

Ông Phụng cho biết: “Khoảng 4 năm trở lại đây, số lượng hài nhi mang về hương khói tại đây ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do nạn nạo phá thai. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi thu gom khoảng 5 hài nhi, có ngày lên đến 30 hài nhi. Có bé đã thành hình, có bé chỉ là giọt máu. Các hài nhi này được thu gom chủ yếu từ các cơ sở y tế. Ngoài ra, cứ nhận được điện báo nơi đâu có hài nhi là chúng tôi nhanh chóng đến nhận”.

“Đã nhiều năm làm công việc này, tay tôi đã bế trên 15.000 hài nhi xấu số. Ban đầu sợ lắm nhưng sau đó nỗi sợ biến mất, thay vào đó là sự thương cảm, xót xa. Xót xa vì có nhiều người nhẫn tâm vứt con mình, máu mủ của mình. Thấy cảnh đó, cha nuôi tôi mới cho tiền làm một cái biển với nội dung “Xin đừng vùi lấp và vứt bỏ, hãy đặt chúng con nơi này để cô chú biết giúp đỡ” đặt tại khu vực nghĩa trang. Sau này, nhiều người biết, họ cứ để ở đây là chúng tôi mang đi chôn giúp”-ông Phụng cho biết thêm.

Nhiều năm làm công việc này, ông Phụng chỉ mong một ngày được thất nghiệp. Theo lý giải của ông, được vậy thì nghĩa là ngày đó không có hài nhi nào xấu số. Nhưng đó chỉ là ước mơ mà bao năm qua ông Phụng chưa một lần có được. Ông chia sẻ: “Nạo phá thai không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là nỗi ám ảnh về tâm lý. Nhiều cháu chưa đủ tuổi thành niên nhưng trót lầm lỡ rồi nạo phá thai. Sau này hối hận muốn ăn năn chuộc lỗi thì chẳng biết con mình nơi đâu mà hương khói. Vì vậy, về sau khi nhặt được hài nhi nào tôi đều ghi chép lại để ai cần thì có thêm tư liệu tìm kiếm phần mộ con mình. Tuy nhiên, mới thì còn nhớ chứ lâu quá thì chịu”. Chưa kể, vài năm gần đây, với mong muốn giảm bớt một phần tình trạng nạo phá thai, ông còn nhận giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho 17 cô gái lầm lỡ có ý định nạo phá thai và cưu mang cho tới ngày họ được mẹ tròn con vuông, trong đó có cô mới chỉ 16 tuổi.

Không phải ai cũng có được may mắn như những cô gái mà ông Phụng đã cưu mang, rất nhiều trong số đó chọn giải pháp nạo phá thai để rồi không chỉ bị ám ảnh, mặc cảm tội lỗi mà còn ảnh hưởng sức khỏe về sau. Nhiều trường hợp lập gia đình đã lâu nhưng hiếm muộn do hậu quả của việc nạo phá thai để lại.

Bác sĩ Mạc Văn Thắng-Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh, cho biết: “Nạo phá thai gây ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần. Về tinh thần, đó là sự khủng hoảng, mặc cảm, trầm cảm… Về thể chất, việc nạo phá thai có thể gây ra các tai biến như: thủng tử cung, nhiễm trùng, sốc và có thể gây tử vong. Nhiễm trùng sau khi phá thai có khả năng dẫn đến tắc nghẽn vòi trứng 2 bên hoặc gây ra thai ngoài tử cung; có thể khiến khó có thai trở lại, dễ bị sảy thai tự nhiên, hiếm muộn hoặc sinh non, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh”.

Theo bác sĩ Thắng, xã hội ngày càng hiện đại, thông tin ngày càng nhiều cả tốt lẫn xấu, kéo theo đó sẽ kích thích trẻ tò mò, khám phá… khiến tình trạng quan hệ và nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, gia đình, nhà trường cần có sự giáo dục, định hướng tốt cho trẻ; tăng cường các thông tin giáo dục truyền thông về vấn đề này để giúp trẻ có cái nhìn đúng đắn và sống có trách nhiệm, tránh những sai lầm và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm