TN - Đất & Người

Âm hưởng Tây Nguyên trên cây vĩ cầm tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuổi cao, sức khỏe không còn tốt nhưng ông giáo Nguyễn Trường vẫn hừng hực niềm đam mê với chế tác thêm nhạc cụ của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Bộ nhạc cụ độc đáo bằng tre nứa, góp phần làm đa dạng thêm cho bộ sưu tập vốn đã rất đồ sộ của mình...

Ông Nguyễn Trường sử dụng cây đàn violon tre. Ảnh: Bảo Trung
Ông Nguyễn Trường sử dụng cây đàn violon tre. Ảnh: Bảo Trung
Dàn nhạc cụ đồ sộ
Mỗi lần ghé nhà giáo Nguyễn Trường (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tôi đều bắt gặp bóng dáng liêu xiêu của ông thầy già, cùng ngổn ngang hàng đống tre nứa bày biện khắp sân, ken chật cả lối đi.

Ông Nguyễn Trường cùng cây đàn violon cell mới chế tác thành công. Ảnh: Bảo Trung
Ông Nguyễn Trường cùng cây đàn violon cell mới chế tác thành công. Ảnh: Bảo Trung
Thầy Trường hồ hởi vừa đục đẽo vừa nói: "Em ghé chơi đấy à, thầy mới có ý tưởng mới, đã chế tác thành công thêm một nhạc cụ độc đáo bằng tre nứa nữa. Rất mất thời gian và công sức nhưng chất lượng ngoài mong đợi. Em muốn nghe thử không?".  
Rót nước mời khách xong, thầy Trường cầm trên tay cây đàn violon cell bằng tre kéo những thanh âm đầu tiên. Âm sắc loại nhạc cụ này trầm bổng, ngân vang không khác là bao so với những cây đàn thực thụ. Ngoài giá trị âm thah, cây đàn còn là thời gian, tâm sức chủ nhân nó đặt vào đóngót gần một năm ròng. 
Nhạc cụ dân gian Tây Nguyên của thầy Trường được nhiều người trong vùng biết đến với những chiếc mõ tre treo ở cổ bò hay violon tre. Ngoài ra, ông còn sưu tập thêm cho mình những bộ cồng chiêng, đàn T’rưng, Đàn đá... mang đậm âm hưởng vang vọng của núi rừng, quen thuộc. 
Đặc biệt, cây đàn violon làm bằng tre hồi năm 2020 của thầy Trường được nhiều người trong và ngoài nước biết đến với tên gọi Viokram. Cây đàn có 4 dây từ thấp tới cao là Sol, Re, La, Mi với lần lượt được kí hiệu là G, D, A, E với âm mộc đặc trưng của Violin phổ thông.
Theo thầy Trường: Bộ đàn dây hay thuật ngữ "String" dùng để chỉ 4 loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng là violon, viola, cello và contrabass, là nhóm có hình dáng gần giống nhau. Trong đó, sản phẩm mới như đàn violon (vĩ cầm) có kích thước nhỏ nhất và thanh âm cao nhất trong họ đàn dây gồm 4 dây, sử dụng khóa Sol. Còn Đàn Viola (vĩ cầm trầm) có kích thước lớn hơn đàn violon, nó nằm giữa violon và cello, có khả năng tạo một số nốt trầm hơn violon.
Đàn Cello hay Violoncelle (trung hồ cầm) Cello có kích thước lớn và được chơi bằng cách ngồi trên ghế kẹp đàn giữa hai chân, có âm thanh trầm ấm hơn Viola, sử dụng khóa Fa. Đàn Contrabass có kích thước lớn hơn đàn cello, âm trầm để đảm nhận phần bass trong các tác phẩm âm nhạc.
Qua quá trình nghiên cứu và thể hiện, không dừng lại ở đàn violon tre, thầy Trường đã chế tác thành công thêm các nhạc cụ thuộc bộ dây gồm đàn viola tre, cello tre. Các sản phẩm mới chế tác vẫn đảm bảo được kỹ thuật, âm vực của câc nhạc cụ, không hạn chế trong việc diễn tấu các giai diệu của âm nhạc. Với hình dạng độc đáo của cây tre, với âm mộc riêng có các nhạc cụ thuộc bộ dây đã bắt đầu cất lên tiếng nói của nó…
Niềm đam mê bất tận
Ngắm dàn nhạc cụ đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thầy Trường bộc bạch: "Tôi sinh ra, học tập ở Huế nhưng lại gắn bó hơn nửa đời người với nắng gió cao nguyên nên tâm hồn dành cả cho mảnh đất này. Những đồ vật tôi chế tác được chưa là gì so với kho tàng văn hóa đồ sộ nói chung và các nhạc cụ đa dạng của đồng bào các dân tộc nơi đây nói riêng".

Ông Nguyễn Trường bên bộ sưu tập nhạc cụ đồng bào dân tộc Tây Nguyên làm bằng tre, nứa. Ảnh: Bảo Trung
Ông Nguyễn Trường bên bộ sưu tập nhạc cụ đồng bào dân tộc Tây Nguyên làm bằng tre, nứa. Ảnh: Bảo Trung
Mới đây, cá nhân thầy Trường được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Người đầu tiên chế tác cây đàn violon tre - nhạc cụ được lấy cảm hứng từ đàn violon phương tây kết hợp với nguyên liệu tre truyền thống Việt Nam".
Thầy Trường xem đây như là sự động viên để thôi thúc bản thân mình cống hiến một phần nhỏ bé cho sự kế thừa và phát triển kho tàng âm nhạc tre nứa Tây Nguyên theo từng cách thức đa dạng khác nhau, bất kể khó nhọc đến mức nào.
Bởi, thầy Trường luôn ý niệm một điều rằng: "Mọi sự vinh danh dù giá trị, nhưng chỉ khi được bà con đồng bào, mọi tầng lớp người dân đón nhận và sản phẩm mình làm ra giúp ích cho đời mới là sự tưởng thưởng ngọt ngào nhất. Những nhạc cụ tôi làm ra chỉ là mảnh ghép trong bức tranh muôn màu của cuộc sống". 
Nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận định: "Nguyễn Trường là một người chịu khó tìm tòi, sáng tạo từ violin tre đến cello rồi viola. Riêng, khi tôi nhìn cây đàn cello từ tổng thể ngoại hình cho đến âm thanh cảm thấy rất tâm đắc. Cây đàn này không thể nằm một chỗ mà nó phải đứng trên sân khấu chuyên nghiệp. Người sử dụng được nó phải là nhân sự được đào tạo bài bản, có trình độ mới phát huy được giá trị và phổ biến rộng rãi.
Cám ơn Nguyễn Trường vì những cây đàn làm ra để tôi có thể chiêm ngưỡng, mân mê và để rồi yêu âm thanh của nó. Những giá trị và điểm nhấn của cây đàn này có thể giúp nhiều nghệ sĩ tài hoa từng bước khẳng định chỗ đứng trên sân khấu. Đây là sản phẩm rất "đắt" để các nhạc sĩ đưa vào trong phần phối âm, phối khí". 
Theo Bảo Trung (LĐO)
https://dulich.laodong.vn/nhan-vat/am-huong-tay-nguyen-tren-cay-vi-cam-tre-998752.html

Có thể bạn quan tâm