(GLO)- Kể từ ngày thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai về việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, những chuyến xuống làng của đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) ngày càng dày lên. Những ánh mắt, nụ cười thơ trẻ hay cái gật đầu hài lòng của các bậc cao niên trong làng là nguồn năng lượng để người lính bước tiếp.
1. Việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình là bước phát triển mới của mô hình tăng cường cán bộ cho cơ sở của Bộ đội Biên phòng tỉnh để có đủ “bộ 3” cán bộ tăng cường từ cấp xã đến thôn và hộ gia đình. Tính đến thời điểm hiện tại, cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Ia Nan phụ trách 147 hộ gia đình, riêng đội công tác địa bàn phụ trách gần một nửa và tất cả đều thuộc “diện đặc biệt”.
Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Nan bàn giao công trình vệ sinh cho gia đình bà Kpui Phyéo (làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ). Ảnh: T.K.N |
Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Văn Hợp-Đội phó Đội Vận động quần chúng-cho biết: Mô hình mới được triển khai, song có thể khẳng định công tác quản lý địa bàn đã được nâng tầm rất nhiều. Anh em trong đội giờ như những con thoi, ngày nào cũng đi mà chẳng bao giờ hết việc. Không đặt ra chỉ tiêu cụ thể, nhưng đảng viên phụ trách hộ phải làm tốt một số việc chính như bám nắm địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh từng hộ gia đình mình phụ trách để tuyên truyền, vận động hướng dẫn phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giúp đỡ con em học tập, hỗ trợ ngày công lao động thu hoạch mùa màng, tu sửa nhà ở, công trình dân sinh và trợ giúp lương thực thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt… Với khối lượng “việc riêng” lớn như thế, trong khi mỗi cán bộ, đảng viên ở đội công tác địa bàn nhận phụ trách 5-7 hộ gia đình không nằm chung một khu dân cư thì có thể nói là họ không có nhiều thời gian để ngơi nghỉ. Như trường hợp của Trung tá Hợp nhận phụ trách 5 gia đình thì cả 5 chủ hộ đều là những bậc cao niên, người “trẻ nhất” năm nay cũng đã ngoài... 75 tuổi. Công việc vặt vãnh rất nhiều, từ chăm lo chuyện vườn tược đến xử lý những trục trặc về nhà ở, điện, nước sinh hoạt, thậm chí cả việc vệ sinh trong nhà ngoài ngõ... Phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Ia Nan đang trong giai đoạn nước rút nên những đối tượng được Bộ đội Biên phòng trợ giúp không thể là những người “đi sau”.
Bà Phạm Thị Sảo (thôn Ia Đao) là đối tượng thuộc diện đặc biệt. Năm nay đã sắp bước sang tuổi 80 nhưng đôi vai của cụ bà này vẫn phải oằn gánh nuôi 2 cô con gái mù lòa. Mỗi lần xuống thăm thấy nhà dột thì cán bộ, đảng viên lại giúp chống dột, đồ đạc vương vãi thì thu gom dọn dẹp, bếp lửa nguội lạnh thì hỗ trợ thức ăn thức uống... Thế mới biết “cung đường” về làng của các anh giờ đây càng trở nên gập ghềnh bởi những “việc riêng” mà rất chung như thế.
2. Cuộc sống vẫn luôn hiện hữu những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Trong ngày bàn giao công trình nhà vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới do đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Nan xây tặng, bà Kpui Phyéo (60 tuổi) ở làng Nú kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một giấc mơ.
Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Nan đưa cháu Kpui Trí về thăm bà ngoại Kpui Phyéo ở làng Nú, xã Ia Nan. Ảnh: T.K.N |
“Đêm qua mình nằm mơ thấy con gái Kpui H'Tít (đã mất năm 2016) về hỏi mẹ rằng thằng Kpui Trí, con trai của nó hiện giờ đang ở đâu? Mình trả lời với nó rằng, con yên tâm, thằng Trí đã được đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Nan mang về nuôi rồi, các chú thương nó lắm! H'Tít nghe như thế không nói gì chỉ mỉm cười. Chắc mí Trí (mẹ của Trí) đã yên tâm khi con mình có nơi nương tựa”. Lời kể mộc mạc của người mẹ khiến cho những ai biết đến câu chuyện của Kpui Trí đều nghẹn ngào xúc động.
Mẹ mất khi em vừa lên 3, cha bỏ đi lấy người khác nên Kpui Trí phải nương nhờ vào vòng tay bà ngoại. Cuộc sống tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt vì gia cảnh của bà ngoại đã nghèo lại không đủ khả năng lao động để nuôi cháu ăn học. Thế rồi “chuyện cổ tích” giữa đời thường đã đến khi Kpui Trí được Đồn Biên phòng Ia Nan nhận về đội công tác địa bàn nuôi dưỡng. Kpui Trí khôi ngô, nhanh nhẹn, học giỏi và rất ngoan hiền nên anh em trong đội công tác địa bàn vẫn luôn xem đây là “món quà” quý giá mà người dân đã dành tặng cho bộ đội. Mỗi bữa ăn, mỗi giấc ngủ, mỗi con chữ ê a đánh vần của Trí đều được người lính Biên phòng nhẹ nhàng chăm lo, dạy bảo.
Cậu bé giờ đây đã quen với môi trường sống của bộ đội, gặp ai cũng khoe mình có rất nhiều “người bố” đang làm việc ở Đồn Biên phòng Ia Nan. Người vui nhất có lẽ là bà Phyéo bởi đứa cháu ngoại của bà giờ đây được sống trong vòng tay yêu thương của lính Biên phòng. Trò chuyện với chúng tôi, bà Phyéo nghẹn ngào cho biết: “Mỗi ngày được nhìn thấy thằng Trí lẽo đẽo đi theo sau các “bố” ở Đồn Biên phòng vào lớp học, mình lại thấy yên lòng hơn. Ở dưới kia mẹ nó chắc còn vui hơn mình”. Nói đến đây, bà Phyéo lại rưng rưng nước mắt. Có lẽ nỗi nhớ con, thương cháu vẫn luôn đè nặng trong lòng người phụ nữ Jrai neo đơn này. Chỉ đến khi gặp gỡ những người lính Biên phòng, “nút thắt” dần được cởi bỏ, giấc mơ về một câu chuyện cổ tích có thực giữa đời thường mới hiện về, nhẹ nhàng trong giấc ngủ.
Giấc mơ đó thật ngọt ngào và là niềm tin son sắt để tiếp tục sưởi ấm tình người trên vùng biên giới Ia Nan.
Thái Kim Nga