Chỉ trong vòng vài giờ, tập đoàn thương mại điện tử Amazon đã cấm và sau đó dỡ bỏ lệnh cấm nhân viên sử dụng ứng dụng TikTok trên thiết bị di động.
Biểu tượng của TikTok. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chỉ trong vòng vài giờ, tập đoàn thương mại điện tử Amazon đã cấm và sau đó dỡ bỏ lệnh cấm nhân viên sử dụng ứng dụng TikTok trên thiết bị di động.
Theo tờ Wall Street Journal, Amazon đã ra thời hạn là ngày 10/7 để nhân viên gỡ ứng dụng TikTok trên thiết bị di động do những lo ngại về an ninh.
Thời báo phố Wall và các phương tiện truyền thông khác đưa tin Amazon vẫn cho phép nhân viên sử dụng nền tảng chia sẻ video ngắn bằng các trình duyệt web trên máy tính xách tay, nhưng sẽ không cho phép tiếp cận được email của tập đoàn trên điện thoại thông minh có cài TikTok, lo ngại liên quan đến việc ứng dụng này có thể tiếp cận được email của Amazon.
Người phát ngôn của TikTok cho biết sự an toàn của người dùng là điều vô cùng quan trọng đối với công ty và công ty cam kết tôn trọng sự riêng tư của người dùng.
Trong khi Amazon không trao đổi với TikTok trước khi gửi email của họ và TikTok không hiểu vì sao họ lại có những lo ngại.
TikTok hoan nghênh việc đối thoại để giải quyết bất cứ lo ngại nào của Amazon để nhân viên của tập đoàn này có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng.
Tuy nhiên, theo một email được gửi tới nhân viên của TikTok, lệnh cấm đã được dỡ bỏ sau khi các đại diện của TikTok và Amazon trao đổi về vấn đề này.
Theo Giáo sư chính trị học tại trường đại học Bucknell University, Mỹ, Zhu Zhiqun, việc TikTok rút khỏi Hong Kong tuần trước phần nào cho thấy nỗ lực xóa bỏ hình ảnh là một công ty do Trung Quốc kiểm soát và chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc.
Công ty mẹ của TikTok là ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. ByteDance, một trong những nền tảng kỹ thuật số tăng trưởng nhanh chưa từng có, bị giám sát trong các vấn đề như xử lý dữ liệu người dùng.
TikTok cho phép tải các clip có độ dài từ 15-60 giây, thường là các clip hài và vui nhộn, về tất cả các lĩnh vực từ dạy trang điểm đến các động tác múa.
Tuy nhiên, khi được ngày càng ưa chuộng tại Mỹ, TikTok cũng chịu sự giám sát ngày càng chặt của chính phủ nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua cho biết ông đang cân nhắc khả năng cấm TikTok. Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, việc Mỹ cân nhắc cấm TikTok là do ứng dụng này đã chia sẻ thông tin với Chính phủ Trung Quốc.
Đầu tuần trước, Wells Fargo, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, đã gửi thông báo yêu cầu những nhân viên cài TikTok trên các thiết bị di động thuộc sở hữu của công ty gỡ bỏ ứng dụng này ngay lập tức, do những lo ngại về vấn đề kiểm soát tính bảo mật và do thiết bị của công ty chỉ nên được sử dụng cho công việc.
Trong khi đó, Ấn Độ, nơi TikTok cũng rất được ưa chuộng, gần đây đã cấm ứng dụng này do lo ngại về an ninh quốc gia.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)