Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Ấn Độ ngăn Trung Quốc ở Ấn Độ Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhận thức được sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, New Delhi cố gắng thể hiện vai trò “anh cả” ở Ấn Độ Dương.

 




Ngày 24.3, tờ The Times of India đưa tin Ấn Độ đang theo dõi sát sao khu vực Ấn Độ Dương. Bởi trước đó, tạp chí Forbes loan tin Trung Quốc đã triển khai ít nhất 12 tàu lặn không người lái từ tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng số 6 ở Ấn Độ Dương trước khi trục vớt chúng lên hồi tháng trước. Thực tế, thời gian qua, New Delhi luôn phải “canh phòng cẩn mật” và gia tăng vị thế ở Ấn Độ Dương.

Đẩy mạnh giám sát

Cuối năm 2019, Trung Quốc đẩy mạnh liên kết vũ khí với các quốc gia Nam Á, qua việc cung cấp thêm một radar chống tàng hình tiên tiến cho Pakistan cũng như triển khai tàu khu trục đến Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka, tờ South China Morning Post đưa tin.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã củng cố nhanh chóng sự hiện diện của hải quân ở Ấn Độ Dương và dường như làm suy giảm vị thế dẫn dắt khu vực của Ấn Độ. New Delhi buộc phải có các động thái để giữ cho khu vực không có sự can thiệp quá sâu của thế lực bên ngoài.

Hải quân Ấn Độ cho biết đã trục xuất tàu nghiên cứu Shi Yan 1 của Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ (EEZ) ở Andanman vào tháng 12.2019. Do vị trí chiến lược, quần đảo Andaman và Nicobar là căn cứ để New Delhi giám sát hoạt động ở Ấn Độ Dương và trên khắp Đông Nam Á. “Tổng cộng có khoảng 8 tàu Trung Quốc, bao gồm các tàu hộ tống nghiên cứu và chống cướp biển, có mặt ở khu vực này mọi lúc”, Đô đốc hải quân Ấn Độ Karambir Singh cho hay.

Hồi đầu tháng 1.2020, hải quân Trung Quốc và Pakistan đã có cuộc tập trận chung 9 ngày trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan ở khu vực tranh chấp Kashmir. Ấn Độ ngay lập tức triển khai một tàu sân bay tiếp cận để theo dõi các buổi tập.


 




Tăng cường sức mạnh quân sự

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Ấn Độ vào tháng 2.2020 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai nước ký kết thỏa thuận quốc phòng hơn 3 tỉ USD, trong đó có gói cung cấp trực thăng hải quân đa năng tốt nhất thế giới Sikorsky MH-60R của Mỹ. Trước đó, quân đội hai bên đã tổ chức cuộc tập trận chung “Tiger Triumph” vào tháng 11.2019, tập trung vào hoạt động cứu trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai.


 


Bình luận về tình hình Ấn Độ Dương gần đây trên tờ South China Morning Post, ông James Dorsey, giảng viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho rằng trong thời gian tới, thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi lớn ở Ấn Độ Dương, chuyển từ hệ thống đơn cực tập trung vào Mỹ sang một sự sắp xếp đa cực bao gồm Trung Quốc, Nga và cả Ấn Độ.





Tháng 1.2020, Ấn Độ triển khai các tiêm kích Su-30 đầu tiên tại căn cứ không quân Thanjavur trên bờ biển phía nam nhằm tăng cường phòng thủ cho khu vực Ấn Độ Dương. Phi đội Su-30 đầu tiên được bố trí ở miền nam Ấn Độ, là kết quả từ thỏa thuận hỗ trợ của Nga dành cho Ấn Độ. Hành động diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa hoàn tất cuộc tập trận chung “Indra” hồi tháng 12.2019. Ấn Độ cũng đang cân nhắc mua tên lửa S-400 từ Nga, tuy nhiên dự định này vấp phải cảnh báo từ phía Mỹ.

Hội nghị Đối thoại 2+2 Ấn Độ - Nhật Bản năm ngoái đã phải hoãn lại trong bối cảnh bất ổn trong nước ở Ấn Độ. Dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Narendra Modi sẽ cùng thảo luận về tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo kế hoạch đối thoại, không quân Lực lượng phòng vệ của Nhật và không quân Ấn Độ sẽ tập trận chung trong năm 2020 với hàng loạt máy bay chiến đấu.

Tạm bỏ qua những bất đồng về vấn đề Pakistan, Ấn Độ cũng đã đồng ý ký kết thỏa thuận trị giá 2,3 tỉ USD vào tháng 2 vừa qua để đặt hàng Thổ Nhĩ Kỳ đóng 5 tàu hỗ trợ hạm đội (FSV) 45.000 tấn. Các tàu này sẽ được sử dụng để vận chuyển nhiên liệu và các vật tư khác cho tàu chiến trên biển.
Không chỉ có các cuộc tập trận song phương, Ấn Độ còn đứng ra tổ chức các cuộc diễn tập đa quốc gia lớn khác như cuộc tập trận hải quân MILAN.

Cuộc tập trận MILAN 2020 với chủ đề “Sức mạnh vượt đại dương” dự kiến tổ chức từ 18 - 27.3 tại Ấn Độ đã buộc phải trì hoãn vì Covid-19. Nếu được diễn ra đúng kế hoạch, đây sẽ là cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn nhất thế giới với sự tham gia của quân đội 42 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sự kiện cũng chứng kiến lần đầu tiên hải quân Mỹ tập trận chung với hải quân Nga.

Theo Xuân Thu Thủy (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm