( GLO)- "Mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang tăng lên, sẽ là sai trái khi che giấu điều đó"- Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp thường niên với Hội đồng Nhân quyền ngày 7/12, và rằng, "Nga chỉ dùng vũ khí hạt nhân làm phương tiện trả đũa".
Ông Putin tuyên bố Nga "sở hữu những vũ khí tiên tiến và hiện đại hơn bất cứ quốc gia hạt nhân nào khác" nhưng sẽ "không nổi khùng". "Chúng tôi biết vũ khí hạt nhân là gì. Chúng tôi sẽ không chạy khắp thế giới và vung thứ vũ khí này như đang cầm một con dao"- Tổng thống Nga nói.
Thêm nữa theo ông Putin, Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ và các đồng minh của mình "bằng tất cả các phương tiện có sẵn", đồng thời cáo buộc Mỹ mới là nước đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các quốc gia khác. Tổng thống Nga khẳng định nước này chỉ coi kho vũ khí hạt nhân của mình là phương tiện để trả đũa, không phải để khai chiến trước.
Về thông tin Nga có thể phát lệnh động viên quân, ông Putin cho biết không cần thiết để làm như vậy sau khi Nga đã huy động ít nhất 300.000 quân dự bị vào tháng 9 và tháng 10, trong đó 150.000 người được triển khai ở Ukraine và số còn lại vẫn ở các tại huấn luyện.Tổng thống Nga nói thêm chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine có thể là "quá trình lâu dài" trong bối cảnh cuộc xung đột đã diễn ra hơn 9 tháng.
Sau phát biểu của ông Putin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng, "Bất kỳ sự đề cập nào, dù là đe dọa hay làm dấy lên khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, cũng là vô trách nhiệm. Đây là hành động nguy hiểm, đi ngược lại tinh thần của tuyên bố cốt lõi trong chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân từ sau chiến tranh lạnh”.
Ông Putin cuối tuần trước cũng khẳng định bộ ba răn đe hạt nhân Nga gồm: tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay mang vũ khí hạt nhân liên tục được củng cố, nhiều hệ thống trong số này không có đối thủ trên thế giới.
Duy trì ba trụ cột hạt nhân giúp Nga hạn chế nguy cơ lực lượng chiến lược bị xóa sổ trong đòn phủ đầu, bảo đảm khả năng tấn công trả đũa và năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Hiện có 4 nước sở hữu năng lực này là Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo nhà phân tích quân sự Andrew E. Kramer của tờ New York Times, liên tiếp các vụ tấn công vào các sân bay quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga trong hai ngày 5 - 6/12 đang báo hiệu một giai đoạn tấn công táo bạo hơn từ Ukraine, được thúc đẩy bằng vũ khí tấn công tầm xa. Vụ tấn công cũng cho thấy hàng triệu người Nga lần đầu tiên cảm nhận được họ có thể bị tổn thương.
Năng lực tấn công tầm xa mới của Ukraine đã trở thành tiêu điểm thu hút sự chú ý của thế giới trong ngày 5/12 khi hai căn cứ không quân của Nga nằm cách biên giới Ukraine gần 500 km bị tấn công. Cả chính phủ Nga và một quan chức cấp cao của Ukraine khẳng định Kiev đã dùng máy bay không người lái thực hiện các vụ không kích.
Bộ Quốc phòng Nga lên án các cuộc tấn công trên là hành động khủng bố và đã giáng đòn tập kích tên lửa nhằm vào các thành phố của Ukraine, khiến nguồn cung điện và cấp nước tại những thành phố bị gián đoạn. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh mục tiêu của cuộc tập kích là nhằm vào năng lực vận chuyển quân của Ukraine và các trang thiết bị vũ khí phương Tây cung cấp.
Các cuộc tập kích hỏa tiễn của Nga khiến cho Kiev tổn thất nặng nề. Thị trưởng Kiev Klitschko hôm 7/12 cho biết: "Kiev có thể mất điện, nước và nguồn cung cấp nhiệt. Ngày tận thế có thể xảy ra giống như trong các bộ phim của Hollywood khi người dân không thể sống trong những ngôi nhà có nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, chính quyền Kiev đang chiến đấu và làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng điều này không xảy ra".
Douglas Barrie- một chuyên gia hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (Anh) nhận định, các cuộc tấn công vào hai sân bay sâu trong lãnh thổ của Nga là “một động thái mang tính biểu tượng”.Tới nay, Kiev không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng cũng không phủ nhận những cuộc tấn công này thể hiện mục đích biểu dương năng lực của Ukraine.
Dư luận quốc tế lo ngại, nếu là các cuộc tấn công của Ukraine sẽ mở ra nguy cơ leo thang mang tính bước ngoặt của cuộc xung đột kéo dài. Mục tiêu tấn công khá nhạy cảm và Mỹ cùng các đồng minh lo ngại Ukraine có thể dùng vũ khí tầm xa khi đã sở hữu chúng.
Giới quan sát cho rằng các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Moskva đặt ra thách thức cho các đồng minh phương Tây, mặc dù vốn quyết tâm không bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu với Nga trong xung đột Nga- Ucraine.
Mỹ và các quốc gia NATO từng liên tục từ chối cung cấp cho Kiev các loại vũ khí có khả năng vươn tới các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Nga. Các đồng minh cũng không sẵn lòng cung cấp cho Ukraine xe tăng và máy bay chiến đấu hiện đại mà nước này yêu cầu.
TS ( từ TTXVN, Dân trí điện tử, TNO)