Bạn đọc

Ẩn họa trên những chuyến thuyền vượt sông Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra nhưng hàng trăm hộ dân ở Ia Grai (tỉnh Gia Lai) vẫn hàng ngày “đánh đu” tính mạng mình trước miệng Hà Bá. Việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy vẫn là bài toán nan giải trong nhiều năm qua.
Chuyến đò ác mộng
Hơn 1 tuần kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn thương tâm, chị Rơ Châm Diel (SN 1975, trú tại làng Jăng Krái, xã Ia Khai) vẫn chưa hết bàng hoàng. Nỗi đau mất chồng hằn rõ trên gương mặt phờ phạc của chị, đôi mắt hoắm sâu, ậng nước. Hơn cả, chị là người chứng kiến khoảnh khắc sinh tử ngày hôm đó.
Chị Diel kể: Sáng 27-8, chị cùng chồng là anh Rơ Mah Vươn (SN 1973) và vợ chồng anh Rơ Mah Yôh-chị Puih Par lên thuyền trên sông Sê San để đến xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Hết mùa điều, cuộc sống mưu sinh của gia đình chỉ trông chờ vào việc hái măng le ở những ngọn đồi tại xã Ia Tơi. Hôm ấy, 2 vợ chồng lấy được khá nhiều măng và hái một gùi dưa leo trên rẫy nên hăm hở lên thuyền trở về.
Đó là chiếc thuyền nhỏ của những người đi bắt tôm mà anh Vươn vừa mua lại với giá hơn 8 triệu đồng. Đây là lần thứ 3 anh Vươn điều khiển thuyền nên vẫn còn lạ lẫm. Không ai trên thuyền có áo phao dù chị Diel và chị Par không hề biết bơi. Khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, khi còn cách bến thuyền làng Nú (xã Ia Kha) gần 1 km, anh Vươn đã tăng ga khiến chiếc thuyền nhào lên rồi mất lái, nghiêng hẳn một bên và lật úp.
Khu vực sông Sê San nơi chiếc thuyền của Vươn bị lật. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Đoạn sông Sê San nơi chiếc thuyền của anh Rơ Mah Vươn bị lật. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Thấy vợ chới với giữa dòng nước, anh Vươn lao tới cầm tóc chị kéo về phía bờ. Anh Yôh và chị Par cũng vùng vẫy giữa con nước. Thời điểm này, một số người đang câu cá ven bờ gần đó nhìn thấy cảnh tượng đã nhanh trí chèo thuyền ra quăng áo phao cho 2 người phụ nữ. Anh Yôh cũng được một người dân trong làng hỗ trợ đưa vào bờ trong tình trạng đã đuối sức phải sơ cứu và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Riêng anh Vươn vì đã cố kéo người vợ vào bờ nên kiệt sức rồi bị dòng nước cuốn trôi.
“Nếu không phải cứu mình thì anh Vươn cũng bơi được vào bờ. Giờ chồng mất rồi, để lại mình và 3 con, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi, sau này không biết xoay xở thế nào. Từ nay, chắc mình không dám đi thuyền qua sông nữa”-chị Diel nức nở.
Nếu không được người làng dũng cảm xuống kéo lên bờ và sơ cứu kịp thời thì có lẽ, anh Yôh cũng đã nằm lại sông Sê San. Anh Yôh bày tỏ: “Thời gian trước, cũng có người bị lật thuyền rồi đuối nước nhưng mình vẫn chủ quan, với lại không có áo phao. Nay chính mình trải qua mới thấy nó đáng sợ thế nào, có biết bơi giỏi thế nào cũng khó vượt qua được dòng nước dữ như thế”.
Còn nhiều bất cập
Từ năm 2017 đến nay, tại xã Ia Khai đã xảy ra 3 vụ đuối nước do lật thuyền khiến 3 người tử vong. Bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai-cho biết: “Xã chưa có thuyền để phục vụ cho công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân đảm bảo các biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, một số hộ đã được cấp phát áo phao nhưng lại không mang theo. Ủy ban nhân dân xã cũng tuyên truyền người dân mua áo phao nhưng họ cũng không mặn mà”.
Cũng theo bà Lương, trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ dân thường xuyên qua lại sông Sê San đến làm rẫy bên khu vực xã Ia Tơi. Tổng số tàu, thuyền của xã vào khoảng hơn 70 chiếc. Từ năm 2019 đến nay, một số đơn vị hảo tâm đã hỗ trợ 300 chiếc áo phao cho người dân.
Xã Ia Khai (huyện Ia Grai) hiện có hơn 70 chiếc tàu, thuyền nhưng công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân đảm bảo các biện pháp an toàn còn chưa thường xuyên. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Xã Ia Khai (huyện Ia Grai) hiện có hơn 70 chiếc tàu, thuyền nhưng công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân đảm bảo các biện pháp an toàn còn chưa thường xuyên. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Theo ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O, trên địa bàn xã cũng có khoảng 70 tàu, thuyền. Qua rà soát, kiểm tra thì chỉ có 21 tàu, thuyền đảm bảo hoạt động, trong đó 19 tàu, thuyền hoạt động thường xuyên. Ngoài số tàu, thuyền phục vụ cho du khách tham quan du lịch thì tại xã có 3 làng với 30 hộ dân hàng ngày vẫn qua lại sông Sê San để đến xã Ia Tơi đi làm rẫy. Cũng như xã Ia Khai, công tác đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông trên sông tại Ia O cũng còn nhiều vấn đề.
“Thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp với ngành chức năng của huyện tìm tổ chức tập huấn cho người dân nhằm giảm thiểu tai nạn xảy ra”-ông Nghiệp nói.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm