(GLO)- Có một “hung thần” thầm lặng trên xa lộ mà bấy lâu bị lãng quên; phải đến khi nhìn lại những hậu quả đã để lại, người ta mới giật mình nhận ra sự đáng sợ của nó. Đó là tiếng còi xe.
Còi to… cho vượt
Câu chuyện “muôn năm cũ” về những tiếng còi xe inh ỏi này vẫn là vấn đề nhức nhối thể hiện sự bế tắc, rối ren trong hệ thống giao thông. Trên các đường phố, người tham gia giao thông có thể bị giật mình bất cứ lúc nào hoặc cảm thấy khó chịu bởi những tiếng còi ồn ã, rít sâu đinh tai nhức óc, đặc biệt từ những chiếc xe tải. Tại TP. Pleiku, người dân sống trên các tuyến đường tránh như: Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Tôn Đức Thắng, Ngô Quyền… là những “nạn nhân” thường xuyên của tiếng còi.
Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm đến từ những tiếng còi xe chát chúa. Ảnh: L.V.N |
Ông Nguyễn Thiên Toàn (trú tại thôn 3, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho biết: “Hàng ngày có rất đông xe tải chạy từ quốc lộ 14, rẽ tại ngã tư Biển Hồ sang quốc lộ 19 và ngược lại theo đường Tôn Đức Thắng. Đây là đoạn đường rất đông dân cư và trường học, đặc biệt là đoạn qua chợ Biển Hồ, nơi thường tập trung đông người, thậm chí nhiều người lấn chiếm lòng đường để buôn bán. Mỗi lần qua đây, các tài xế xe tải lại bấm còi rất to để người đi đường sợ mà né, đường lúc nào cũng inh ỏi tiếng còi xe”.
Nhưng “có lửa mới có khói”, cũng chính vì ý thức tham gia giao thông kém của các phương tiện khác nên buộc các tài xế xe tải phải tìm phương án an toàn cho mình, dù đó là phương án gây khó chịu và nguy hiểm cho người khác. Anh T.T.N.-một tài xế xe tải chạy tuyến Quy Nhơn-Gia Lai chia sẻ: “Dù biết là gây khó chịu cho người đi đường nhưng biết sao được vì nếu không lắp còi to, không bấm liên tục thì người ta có chịu nhường đường cho xe lớn đi đâu; nhất là đi qua các đoạn họp chợ và khi học sinh tan trường về, đôi khi bấm còi to rồi mà họ vẫn cứ trơ trơ ra đấy. Vì an toàn cho mình, an toàn cho người khác nên đành phải lắp còi hơi công suất lớn, nếu ai cũng đi đúng phần đường thì chúng tôi cũng đâu muốn làm vậy…”.
Theo quy định, âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90 đến 115 decibel. Trên thực tế, có nhiều ô tô gắn các loại còi hơi, còi kích âm lên tới 250 decibel, gấp 2,5 lần so với quy định. Nhiều tài xế có những “mánh khóe” để lọt qua khâu đăng kiểm mà vẫn dùng còi hơi với công suất lớn. Anh L.Đ.T.-thợ điện tại một gara ô tô trên địa bàn TP. Pleiku tiết lộ: “Trước khi đi đăng kiểm, các tài xế thường đến nhờ chúng tôi tháo còi hơi độ chế ra, giữ lại còi nguyên gốc của xe, sau khi đăng kiểm xong rồi thì họ đến để lắp lại. Còi hơi công suất lớn hầu hết là hàng Trung Quốc giá rẻ, dao động từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
“Hung thần” lộ diện
Thực tế, đã có nhiều cái chết oan uổng đến từ những tiếng còi xe chát chúa và đầy bất ngờ này. Riêng tại Gia Lai, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông rất thương tâm mà nguyên nhân ban đầu được cho là do tiếng còi xe. Cụ thể, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 20-9, trên quốc lộ 19 đoạn qua thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe máy và xe tải khiến 1 người chết và 2 người bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, xe ô tô BKS 81C-063.43 do anh Đỗ Hòa (tổ 9, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) điều khiển lưu thông theo hướng từ thị trấn Đak Đoa đi TP. Pleiku khi đến thị trấn Đak Đoa đã xảy ra va chạm với xe mô tô BKS 81R4-0609 do ông Y Mét điều khiển chở theo vợ và con trai. Các nhân chứng tại hiện trường cho biết, do xe tải phía sau bóp còi khiến ông Mét giật mình, ông này cho xe mô tô leo lên lề đường. Vợ ông Mét bị tử vong tại chỗ còn ông Mét và con trai cũng bị thương nặng.
Trước đó, vào khoảng 8 giờ 30 phút sáng 8-8, tại Km 1580+200 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Hòa Phú, huyện Chư Pah) cũng đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông khiến 1 người tử vong. Nạn nhân được xác định là bà Trần Thị Mai (trú tại thôn 3, xã Hòa Phú). Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, bà Lê Thị Xuân (trú tại thôn 3, xã Hòa Phú) chở bà Mai trên xe máy BKS 81S6-1395 lưu thông theo hướng huyện Chư Pah đi tỉnh Kon Tum thì gặp một xe tải kéo rơ-moóc đi cùng chiều. Khi bị một chiếc xe khách chạy cùng chiều vượt trái, xe tải kéo rơ-moóc đã buộc phải ép sát vào phần đường của xe máy do bà Xuân điều khiển và bấm còi cảnh báo. Tiếng còi của xe tải khiến bà Xuân giật mình loạng choạng tay lái rồi ngã xuống đường. Bà Mai ngồi sau ngã ngửa xuống đường tử vong tại chỗ.
Những vụ tai nạn thương tâm này một phần do tâm lý và cách xử lý tình huống của người điều khiển xe máy nhưng rõ ràng không thể phủ nhận, tiếng còi lớn bất ngờ từ những chiếc xe tải là nguyên nhân chính dẫn đến các sự việc đáng tiếc trên.
Lê Văn Ngọc