Văn hóa

Cổ học tinh hoa

An Khê bảo tồn nghi thức cúng đình truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua nhiều thế hệ, người dân thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) vẫn luôn gìn giữ nghi thức cúng đình, miếu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Khoảng đầu thế kỷ XVII, vùng đất An Khê-Tây Sơn Thượng đạo đã có sự hiện diện của người Việt đến khai khẩn đất đai, xây dựng làng xã. Cùng với đó, nhiều công trình đình, chùa, miếu, am được hình thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Đến nay, hầu hết các đình, miếu trên địa bàn thị xã đều có ban nghi lễ. Những người 60-80 tuổi, còn đầy đủ vợ chồng, nhiệt tình, có uy tín, được dân làng nể trọng sẽ thực hiện nghi thức trong lễ cúng, cầu cho quốc thái dân an, đời sống luôn ấm no, an lành, hạnh phúc.
Ông Lê Văn Hương-Trưởng ban Quản lý kiêm Trưởng ban nghi lễ đình Tân Lai (phường An Bình) cho biết: “Hiện nay, Ban Quản lý cũng là Ban nghi lễ đình, gồm 6 thành viên. Hàng năm, tại mỗi di tích, người dân tổ chức cúng Khai Sơn và Quý Xuân. Các thành viên trong Ban nghi lễ có nhiệm vụ thực hiện các bước theo đúng nghi thức người xưa để lại”. 
Các thành viên trong Ban nghi lễ đình An Khê thực hiện lễ giỗ vua Quang Trung theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh
Các thành viên trong Ban nghi lễ đình An Khê thực hiện lễ giỗ vua Quang Trung theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh
Tại Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, dựa trên cơ sở của Ban nghi lễ đình An Khê, tháng 9-2020, Chủ tịch UBND thị xã An Khê đã ký quyết định công nhận Ban nghi lễ đình An Khê với 11 thành viên gồm: Phụng tế hay còn gọi là Chánh tế, đảm nhiệm vai trò trung tâm trong việc thực hiện nghi lễ; Thủ sắc-người bảo quản, giữ sắc phong vua ban; Tư lễ-điều hành nghi thức lễ; Câu đình-chịu trách nhiệm cúng tế tại 3 dinh ở An Khê đình, An Khê trường và Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt; Hương lễ-chịu trách nhiệm chuẩn bị văn tế; Chánh nhạc-điều hành quản lý bộ phận nhạc lễ; Chiểu quản-chuẩn bị vật phẩm phục vụ các tế lễ; Tư biên làm thư ký, ghi chép các cuộc hội họp; Thủ bổn-quản lý quỹ của Ban nghi lễ; Cai đình-chăm lo nhang đèn, hoa quả tại đình An Khê; Tư thừa-chăm lo nhang đèn, hoa quả tại An Khê trường. Ngoài ra, còn có gần 20 người nữa tự nguyện giúp việc cho Ban nghi lễ đình và chuẩn bị thực phẩm, nấu nướng, lễ vật cho các ngày lễ hội lớn.
Ông Trần Ngọc Hỷ-Phó Trưởng ban nghi lễ đình An Khê-cho hay: Ban nghi lễ hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, dân chủ và đồng thuận”, không hưởng lương, phụ cấp nhưng được nhận một khoản tiền bồi dưỡng phục vụ các lễ hội và các sự kiện khác ở Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ban nghi lễ họp định kỳ mỗi quý 1 lần; đón tiếp các đoàn khách đến dâng hương; duy trì, điều hành các hoạt động tế lễ theo nghi thức truyền thống, trong các dịp Tết cổ truyền, lễ kỷ niệm Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Hội cầu Huê, lễ Khai Sơn, lễ cúng Quý Xuân và lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung. “Các bài văn cúng và nhạc lễ trong các nghi lễ đều giữ nguyên bản. Trang phục sử dụng khi thực hiện nghi lễ là áo dài, khăn đóng. Những chức sự thực hiện nhiệm vụ không có gì thay đổi so với trước và thường là người kế tục công việc của cha ông, hết lòng vì việc chung”-ông Hỷ chia sẻ.
Các thành viên Ban nghi lễ đình An Khê luôn thực hiện cúng tế thần linh theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh
Các thành viên Ban nghi lễ đình An Khê luôn thực hiện cúng tế thần linh theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh
Còn ông Triệu Quốc Dũng-thành viên Ban nghi lễ đình An Khê thì cho hay: Cha của ông từng làm trong Ban nghi lễ nên ông thường xuyên được tận mắt chứng kiến nghi thức cúng đình truyền thống. Điều này đã thôi thúc ông tham gia Ban nghi lễ, từ giúp việc cho các cụ trong đình, sau đó thì được cử đi học nhạc lễ. Đến nay, ông Dũng đã có 6 năm làm Chánh nhạc. “Tính đến nay, tôi đã gắn bó với Ban nghi lễ gần 30 năm. Trong Ban nhạc lễ, tôi vừa phụ trách chung, vừa kiêm thổi kèn, còn 4 người khác đánh trống, gõ phách, kéo nhị và đánh chập chả. Được kế tục thực hiện những việc cúng kính trong đình, chúng tôi xem đó là trách nhiệm và vinh dự. Đó cũng là cách để chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ cháu con đối với các bậc tiền hiền đã có công lập nên làng xã, mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm để quê hương, đất nước hòa bình, ngày càng phát triển giàu mạnh”-ông Dũng tự hào nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã-cho biết: “Toàn thị xã hiện có 36 đình, miếu, vạn. Hầu hết đều có ban nghi lễ với đầy đủ chức sự. Những người trong ban nghi lễ luôn được người dân quý trọng. Với tâm nguyện cùng kinh nghiệm, các cụ đã truyền lại cho con cháu nhiều nghi thức tế lễ truyền thống. Đó không chỉ duy trì tập tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thần linh mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa cúng lễ truyền thống của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, gắn với phát triển du lịch của địa phương”.
NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm