Kinh tế

An Khê nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nghiên cứu xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư dựa trên tiềm năng, lợi thế hiện có là cách mà thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đang triển khai nhằm tăng tính hiệu quả bền vững trong thu hút đầu tư.

Nhiều tiềm năng, thế mạnh

Ông Bùi Hữu Nhân-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã An Khê-cho biết: Hàng năm, thị xã cung cấp cho thị trường gần 41.000 tấn rau xanh, khoảng 20.000 chậu hoa các loại vào dịp Tết. Bên cạnh đó, thị xã cũng triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi từng ngành hàng nông sản chủ lực như: Nhà máy Đường An Khê ký hợp đồng với người dân sản xuất hơn 2.000 ha mía; nông dân liên kết với một số doanh nghiệp tại Huế, Đà Nẵng để tiêu thụ sản phẩm rau xanh trên địa bàn...

Riêng trong giai đoạn 2011-2020, một số dự án khôi phục và nhân rộng các loại cây trồng lợi thế của địa phương theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại hiệu quả thiết thực như: mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà màng, sản xuất cà gai leo theo hướng hữu cơ, quản lý sản xuất nông nghiệp bằng hình thức dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau trên địa bàn phường An Bình; khôi phục và phát triển cây sim bản địa tại xã Song An...

Dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Gia Hải (phường Ngô Mây, thị xã An Khê). Ảnh: Hà Duy

Dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Gia Hải (phường Ngô Mây, thị xã An Khê). Ảnh: Hà Duy

Cũng theo ông Nhân, tiềm năng phát triển công nghiệp, năng lượng của thị xã khá dồi dào. Nằm ở trung tâm của khu vực phía Đông tỉnh và hầu như tất cả các đường dây 110 kV, 220 kV, 500 kV đều đi qua địa bàn nên An Khê có vị trí rất quan trọng của tỉnh về truyền tải điện vào miền Nam. Do vậy, các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trên địa bàn đã khai thác có hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của thị xã nói riêng và đóng góp một phần nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của cả tỉnh nói chung.

Ngoài ra, việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút vốn đầu tư lớn vào thị xã, phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, ít gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường sinh thái, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các dự án năng lượng tái tạo còn tạo ra một hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành du lịch thị xã.

Đặc biệt, thị xã An Khê đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như: xây dựng, tôn tạo Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ Gò Đá, Rộc Tưng; nâng tầm tổ chức các lễ hội truyền thống trên địa bàn. Bên cạnh đó, thị xã cũng nhân rộng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trên cơ sở bảo tồn, phát triển và tạo liên kết các vườn dâu đỏ, vườn cây ăn quả có múi ở xã Cửu An, xã Tú An phục vụ tham quan, thưởng lãm.

Chú trọng xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư

Giai đoạn 2018-2022, thị xã An Khê đã xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và được UBND tỉnh phê duyệt 16 dự án, trong đó có 7 dự án thuộc lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng; 1 dự án thuộc lĩnh vực nông-lâm nghiệp; 5 dự án giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch; 1 dự án công nghiệp, năng lượng và 2 dự án lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đến nay, 10 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn trên 5.100 tỷ đồng, sử dụng hơn 685 ha đất. Trong đó có 5 dự án đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 3.237 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 133 lao động tại địa phương, hàng năm đóng góp 524 tỷ đồng vào ngân sách của thị xã; 1 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng cơ bản; 1 dự án đang triển khai vận hành thử nghiệm và 3 dự án đang triển khai thăm dò khoáng sản.

Dự án Khai thác đá làm VLXD đang triển khai tại thị xã An Khê. Ảnh: Hà Duy

Dự án Khai thác đá làm VLXD đang triển khai tại thị xã An Khê. Ảnh: Hà Duy

Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Hùng Vỹ cho hay: Các dự án là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, là nguồn lực để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành và phát triển vùng chuyên canh những loại cây trồng thế mạnh; phát triển theo mô hình liên kết chuỗi với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hội trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương; góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách thị xã.

“Thị xã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo theo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Hàng năm, UBND thị xã tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp nhằm thông tin các dự án đầu tư cho từng lĩnh vực, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý”-ông Vỹ cho biết.

Ông Nguyễn Duy Thuận-Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (nhà đầu tư đang triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu và cung ứng giống rau hoa-cây ăn quả tại Tây Nguyên) chia sẻ: “Trong quá trình triển khai khảo sát cũng như các thủ tục cần thiết, chúng tôi được lãnh đạo cũng như các cán bộ phòng chuyên môn của thị xã hỗ trợ rất nhiều với thái độ rất nhiệt tình, tích cực”.

Có thể bạn quan tâm