Kinh tế

An Khê: Nhà vườn thấp thỏm trước vụ hoa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên người trồng hoa ở thị xã An Khê không dám “xuống tay” trồng nhiều như mọi năm. 
Nhằm cung ứng thị trường hoa Tết Nhâm Dần 2022, từ đầu tháng 7, nhiều nhà vườn ở thị xã An Khê bắt đầu xuống giống hoa cúc. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết người trồng hoa chủ động giảm số lượng. Thậm chí, nhiều nhà vườn quyết định bỏ vụ hoa quan trọng này. Ông Đỗ Văn Hùng-Chủ nhiệm Nông hội hoa cây cảnh An Khê-cho hay: “Những năm trước, thị xã cung cấp khoảng 40-50 ngàn chậu cúc và các loại hoa khác cho thị trường Tết. Tuy nhiên, năm nay, lượng hoa trồng tại các nhà vườn giảm hơn 30% so với năm trước. Mặc dù đã chủ động cắt giảm số lượng nhưng nhiều nhà vườn vẫn đang thấp thỏm vì chưa biết sức mua thị trường năm nay ra sao”.
Gắn bó với nghề trồng hoa gần 20 năm, ông Nguyễn Văn Thìn (thôn An Thượng 2, xã Song An) cho biết: Những năm trước, thôn có 5 hộ trồng cúc chậu cung ứng thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay chỉ còn gia đình ông bám trụ với nghề. Để giảm thiểu thiệt hại, ông chỉ trồng 500 chậu, bằng một nửa so với năm trước. Ông Thìn tâm sự: “Không trồng thì nhớ nghề, nhưng trồng rồi lại băn khoăn, lo lắng vì chưa biết đầu ra thế nào”.
Lo ngại dịch bệnh khiến thị trường hoa Tết kém sôi động, sức mua sẽ giảm, người trồng hoa cúc chậu tại thị xã An Khê chủ động giảm số lượng. Ảnh: Ngọc Minh
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết người trồng hoa tại thị xã An Khê chủ động giảm số lượng. Ảnh: Ngọc Minh
Cùng chung nỗi lo, vụ hoa Tết năm nay, chị Đỗ Thị Thúy Diễm (tổ 1, phường An Tân) trồng hơn 300 chậu cúc đại đóa, bằng một nửa số lượng Tết năm ngoái. Chị chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, nhờ nghề trồng cúc chậu mà gia đình có thêm thu nhập, chi tiêu sinh hoạt cũng bớt khó khăn. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm nay, tôi chỉ tập trung trồng cúc chậu, không trồng hoa thược dược, vạn thọ, sống đời. Nếu bán được hết số hoa đã trồng thì gia đình tôi có tiền tiêu Tết, bằng không thì mình trồng cho đỡ nhớ nghề”.
Hơn 10 năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Nga (tổ 3, phường Ngô Mây) thường trồng 1.200-1.500 chậu cúc bán Tết. Áp Tết năm vừa rồi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bạn hàng bỏ cọc buộc vợ chồng chị phải huy động anh em, họ hàng mua giúp; đồng thời, nhờ hội viên Nông hội hoa cây cảnh An Khê giới thiệu khách mới bán được 1.300 chậu. Nhờ vậy mà gia đình chị không những không bị lỗ mà còn có lợi nhuận gần 40 triệu đồng. “Năm nay, tôi trồng 1.000 chậu cúc pha lê. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để người dân đón Tết vui vẻ, chúng tôi bán được hoa”-chị Nga tâm sự.
Vụ hoa Tết năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh Nga (tổ 3, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) không dám trồng nhiều như mọi năm. Ảnh: Ngọc Minh
Vụ hoa Tết năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh Nga (tổ 3, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) không dám trồng nhiều như mọi năm. Ảnh: Ngọc Minh
Phường Ngô Mây là địa phương có nhiều nhà vườn trồng hoa Tết trên địa bàn thị xã An Khê. Ông Lê Thanh Tùng-Chủ tịch UBND phường-thông tin: Nhờ nghề trồng cúc chậu mà nhiều hộ có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao. Dự đoán, thị trường hoa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 sẽ không sôi động như những năm trước; nhất là khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Lường trước những khó khăn, thời gian qua, phường phối hợp với các tổ dân phố tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục trồng hoa nhưng giảm số lượng chậu. Hiện các nhà vườn đã giảm hơn 6.000 chậu cúc so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số nhà vườn cũng giảm, chỉ còn 33/55 hộ dân tham gia trồng cúc chậu. “Thời điểm này, chúng tôi tăng cường tuyên truyền nhà vườn tập trung chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh hại cây trồng nhằm chuẩn bị những chậu hoa đẹp nhất phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới”-ông Tùng nói.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm