Thời sự - Bình luận

An Khê thu hút đầu tư phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thị xã An Khê (Gia Lai) đang tập trung lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các khu di tích lịch sử-văn hóa làm tiền đề thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, từ đó thúc đẩy ngành du lịch của địa phương ngày càng phát triển.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch

Thị xã An Khê có rất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Trong đó, nổi bật là các di chỉ thuộc sơ kỳ Đá cũ có niên đại cách đây khoảng 80 vạn năm; những địa danh gắn với phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn như: Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, An Khê đình, An Khê trường, Gò Chợ, Miếu Xà, hệ thống kiến trúc nhà cổ, 34 công trình tín ngưỡng dân gian như đình, miếu, vạn, đập Bến Tuyết, Hố Trời...; các lễ hội như: lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Hội Cầu huê...

Theo ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, để đánh thức tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư, thị xã An Khê đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2018-2020 dự kiến tập trung ưu tiên đầu tư 5 dự án mang tính đột phá gồm: khai thác các giá trị văn hóa-lịch sử Tây Sơn Thượng đạo; xây dựng làng du lịch cộng đồng tại làng Pơ Nang (xã Tú An); xây dựng khu công viên bảo tàng đồ đá cũ An Khê; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị và dự án điểm du lịch sinh thái đầu đèo An Khê.

 Hội Cầu huê ở An Khê. Ảnh: P.N
Hội Cầu huê ở An Khê. Ảnh: P.N



Xác định đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên thời gian qua, thị xã An Khê đã bố trí nguồn lực phù hợp để đầu tư hạ tầng cơ sở, chỉnh trang đô thị, tôn tạo các di tích. Theo đó, thị xã đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng tôn tạo các cụm Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo; đầu tư 27 tỷ đồng tôn tạo Khu Di tích An Khê trường, An Khê đình; đầu tư 2 tỷ đồng sửa chữa lại nhà bảo tàng và khu trưng bày Tây Sơn Thượng đạo; đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng các công trình thuộc di tích khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ tại Gò Đá và Rộc Tưng. Hệ thống giao thông nội thị, liên xã, liên thôn cũng được chú trọng đầu tư, hoàn thiện.

Tiếp tục thu hút đầu tư

Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2020, thị xã An Khê tập trung kêu gọi đầu tư vào 5 dự án ưu tiên đã lựa chọn với nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng nhằm tạo điểm nhấn về du lịch của địa phương. Ông Dương Thanh Hà cho biết, việc thu hút các nhà đầu tư để phát triển du lịch lịch sử, văn hóa trên địa bàn thị xã, hình thành điểm, tuyến du lịch đa dạng cần sự kết hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm tạo sự phát triển 2 chiều. Vậy nên sắp tới, thị xã An Khê và huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) sẽ rà soát, bổ sung vào bản ghi nhớ phát triển du lịch toàn diện mà 2 địa phương đã ký vào năm 2016. Ngoài ra, thị xã sẽ kết nối với huyện Kbang xây dựng kế hoạch khai thác tiềm năng Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Làng kháng chiến Stơr… trong chuỗi phát triển du lịch của thị xã. Thị xã cũng tiến hành rà soát đưa cây dâu đỏ ở xã Tú An vào kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, vừa để bảo tồn loại cây này. Bên cạnh đó, thị xã sẽ khôi phục, đánh giá, xếp hạng di tích đình, miếu để đầu tư và thu hút đầu tư phát triển loại hình du lịch tâm linh; xúc tiến việc khắc họa lại phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn tại khu vực được chọn xây dựng trạm dừng chân ở đầu đèo An Khê thuộc dự án điểm du lịch sinh thái đèo An Khê.

Nhiều du khách đến cây dâu đỏ ở xã Tú An tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Phạm Ngọc
Nhiều du khách đến cây dâu đỏ ở xã Tú An tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Phạm Ngọc



Đề cập vấn đề đầu tư và thu hút đầu tư vào các dự án trọng tâm, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực lịch sử, văn hóa, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho rằng, di tích là phải bảo tồn nhưng bảo tồn rồi “cất trong kho” thì không phát huy hết giá trị. Vì vậy, các dự án thuộc lĩnh vực lịch sử, văn hóa ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư giai đoạn 2018-2020 đều có sự kết hợp hài hòa giữa tôn tạo, bảo tồn và phát triển du lịch. Theo đó, công viên bảo tàng đồ đá cũ An Khê được quy hoạch trở thành khu du lịch phức hợp kết hợp du lịch nghiên cứu khảo cổ học và du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Dự án điểm du lịch sinh thái đèo An Khê là sự xâu chuỗi các di tích lịch sử-văn hóa nằm trong quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Miếu Xà, Gò Kho, Xóm Ké… thành điểm du lịch khám phá thiên nhiên, lịch sử-văn hóa, tâm linh, dã ngoại, cắm trại, leo núi và trạm dừng chân.

“Thời đại công nghiệp phát triển mạnh như hiện nay dễ tác động đến môi trường của các giá trị văn hóa-lịch sử nên thị xã cố gắng gìn giữ, không để giá trị ấy bị phá vỡ. Thị xã cũng sẽ tiến hành quy hoạch đất đai, đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch tại các khu di tích lịch sử-văn hóa; tiếp tục nghiên cứu các di tích lịch sử-văn hóa, các cụm di tích để bổ sung thêm vào hồ sơ làm cơ sở thu hút đầu tư…”-Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết thêm.

Cùng với giải pháp trên, thời gian tới, thị xã An Khê sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tiềm năng, thế mạnh, tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo vệ tài nguyên và môi trường; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... Thị xã phấn đấu đến năm 2020 lượng khách du lịch đến thị xã đạt khoảng 70.000 lượt người.

 

 PHẠM NGỌC

 

Có thể bạn quan tâm