Xã hội

Từ thiện

Ân nhân của làng Bluk Blui

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với tấm lòng nhân hậu, gần 40 năm qua, bà Siu H’Jel (SN 1957, làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã giúp đỡ những người mắc bệnh phong vượt qua mặc cảm để gầy dựng cuộc sống tốt đẹp.

Thay cha chăm sóc người làng

Men theo con đường nhựa chạy dọc theo những vườn cà phê xanh mướt, chúng tôi tới khu nhà của những người bị bệnh phong ở làng Bluk Blui. Vừa đi, bà H’Jel vừa kể: Dãy nhà này là do các tổ chức từ thiện hỗ trợ kinh phí xây dựng. Trước đây, vì mặc cảm bệnh tật, những người sinh sống trong khu nhà tình thương này thường không muốn gặp người lạ. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm, cuộc sống của những bệnh nhân phong đã có nhiều thay đổi.

Bà Siu H’Jel (ở giữa) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình ông Rơ Châm Krung (làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: N.H

Bà Siu H’Jel (ở giữa) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình ông Rơ Châm Krung (làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: N.H

Nói về cơ duyên gắn bó với những người bị bệnh phong, bà H’Jel chia sẻ: Hơn 60 năm trước, khi cả nhà đang ăn cơm tối thì cha bà là ông Siu Broi bỗng thấy đôi tay tê bì, rất khó cầm đũa. Trên các ngón tay của ông xuất hiện vài vệt màu đỏ, vài ngày sau thì bị lở loét gây đau đớn. Vốn là một y tá, ông biết mình mắc bệnh phong. Không chịu được sự xa lánh, hắt hủi của dân làng, năm 1962, ông cùng với 4 người cũng bị mắc bệnh phong tìm đến khoảnh đất xa khu dân cư để sinh sống. Sau khi bàn bạc, họ chọn khu vực đất cao ráo cạnh con suối Bluk Blui dựng tạm căn nhà làm bằng tranh để ở rồi hàng ngày cùng nhau đi vạt đồi khai hoang lấy đất sản xuất. Sau này, những người bị bệnh phong ở xã Ia Ka và cả ở trên Kon Tum cũng về đây sinh sống.

“Để thuận lợi trong việc học tập, mấy mẹ con tôi vẫn sống ở làng Mrông Yố 1. Những lúc rảnh rỗi, tôi và mẹ mới vào làng thăm cha rồi cùng với cha khai hoang đất sản xuất. Sau vài năm, diện tích đất sản xuất của gia đình lên đến hơn chục héc ta. Cha mẹ tôi trồng bắp, mì, lúa. Vốn có tính thương người, mỗi lần thu hoạch, cha tôi lại chia nông sản cho dân làng. Không những thế, hầu như các buổi chiều, ông đều tới từng gia đình để rửa vết thương cho người bệnh. Năm 1976, sau khi cha mất, tôi quyết định thay ông làm việc này”-bà H’Jel nhắc nhớ.

Theo bà H’Jel, hồi đó, làng có hơn 200 người mắc bệnh phong. Để đảm bảo ai cũng được rửa vết thương, ngay từ sáng sớm, bà đã mang theo nước uống rồi đạp xe vào làng. Do không có thuốc, bà chủ yếu rửa vết thương rồi băng bó tạm cho bệnh nhân. Việc làm này đã giúp cho người bệnh bớt đi phần nào đau đớn. Không những thế, bà còn giúp họ xuống suối tắm; ai bị bệnh nặng khó đi lại thì bà lấy nước từ suối mang về rồi giúp họ tắm, giặt giũ áo quần rồi mới rửa sạch vết thương. Đường xuống suối Bluk Blui dốc đứng và trơn trượt. Trong khi đó, người bệnh lại đông, nhiều hôm phải tới 19 giờ, bà mới về đến nhà.

Lúc chúng tôi tới nhà, ông Rơ Châm Krung (SN 1940) đang cặm cụi đan gùi. Ông tâm sự: “Cả tôi và vợ đều mắc bệnh phong. Khi bị người làng hắt hủi, vợ chồng tôi tủi thân lắm. Nhưng rồi, được ông Broi thường xuyên đến động viên, đưa về nơi ở mới, ngày ngày lại đến giúp rửa vết thương. Từ đó, vợ chồng tôi bớt đau nhức và yên tâm sinh sống. Ông Broi còn hướng dẫn cách khai hoang, trồng trọt nên vợ chồng cũng trồng được vài sào bắp để lấy lương thực. Mỗi khi thiếu đói, ông Broi lại cho gạo, cho bắp và rau rừng. Nhờ đó, cuộc sống của 2 vợ chồng cũng dần ổn định.

Cũng theo ông Krung, nhờ được ông Broi, sau đó là bà H’Jel rửa vết thương mà nhiều người dần dần khỏi bệnh, trong đó có nhiều người đã trở về với gia đình. Riêng vợ chồng ông không có con nên quyết định ở lại nơi này. “Hiện nay, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm cũng như sự giúp đỡ của bà H’Jel, vợ chồng tôi trồng vài sào lúa và đan gùi kiếm sống. Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của cha con ông Broi. Với chúng tôi, cha con ông Broi chính là ân nhân, cả đời này không bao giờ tôi quên”-ông Krung bộc bạch.

Giúp làng xóa mù chữ

Bà Siu H'Jel thăm các cháu tại Trường Mầm non tình thương Bluk Blui. Ảnh: Nhật Hào

Bà Siu H'Jel thăm các cháu tại Trường Mầm non tình thương Bluk Blui. Ảnh: Nhật Hào

Sau cuộc trò chuyện với những người bệnh, bà H’Jel dẫn chúng tôi tới thăm điểm trường của Trường Mầm non xã Ia Ka. Bà H’Jel kể: Cách đây hơn 30 năm, bà đã vận động dân làng chung tay dựng 1 phòng học để dạy chữ cho con em của những bệnh nhân phong. Bà H’Jel là người đứng lớp. Để thực hiện được điều này, trong những lần đi rửa vết thương cho người bệnh, bà đã động viên họ cho con em mình đi học. “Ban đầu, người dân còn e ngại khi nghe nói đến việc cho con em đi học chữ. Nhưng rồi, trước những lời thuyết phục của tôi, dân làng đều đồng ý. Sau đó, bà con lên rừng kiếm gỗ về dựng tạm căn nhà làm lớp học, làm bảng. Đầu năm 1989, lớp học ra đời trong niềm vui của người lớn cũng như trẻ em trong làng”-bà H’Jel cho hay.

Để thuận lợi cho việc chăm sóc người bệnh và dạy chữ cho trẻ, cuối năm 1989, bà H’Jel quyết định chuyển vào làng Bluk Blui sinh sống. Buổi sáng, bà dạy học, còn buổi chiều thì tranh thủ chăm sóc nương rẫy. Cứ 2 ngày/lần, bà đi rửa vết thương cho người bệnh. Đến mùa thu hoạch nông sản, bà bán lấy tiền mua đồ dùng học tập và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm quần áo cho trẻ. “Thời điểm đó, lớp duy trì khoảng 40 em, từ 5 đến 16 tuổi. Tôi chủ yếu dạy cho các em nhận biết chữ cái, cách đọc, cách viết. Đối với môn Toán, tôi dạy cách nhận biết con số và các phép tính đơn giản. May mắn là ai cũng ham học nên chỉ sau ít tháng, nhiều em đã biết đọc, biết viết”-bà H’Jel nhớ lại.

Bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Ka kiêm Bí thư Chi bộ làng Bluk Blui: Không chỉ thay cha giúp người dân chống chọi với bệnh tật, dạy chữ cho con em trong làng, bà Siu H’Jel còn kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ dân làng, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất. Từ năm 2023, tuy không còn tham gia dạy học nhưng bà H’Jel vẫn tình nguyện nấu cháo cho các em ở điểm trường làng. Lúc rảnh rỗi, bà dệt thổ cẩm và hướng dẫn cho chị em trong xã nâng cao tay nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cũng theo bà H’Jel, năm 1997, với sự tích cực kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh và chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ làng xây dựng 3 phòng học và đặt tên là Trường Mầm non tình thương làng Bluk Blui (sau này là điểm Trường Mầm non Ia Ka). Trường cũng được bổ sung thêm một số giáo viên để đảm bảo việc dạy học cho trẻ.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Rơ Châm Klink bộc bạch: “Ngày theo bố mẹ vào làng sinh sống, tôi và chị gái Rơ Châm Klip đều được bà H’Jel dạy học. Bây giờ, chúng tôi đều biết đọc, biết viết, biết tính toán. 3 đứa con của tôi cũng được bà H’Jel dạy học. Ngoài dạy học, bà H’Jel còn kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ đồ dùng học tập và suất ăn vào mỗi sáng”.

Có thể bạn quan tâm