Cẩm nang ngày tết

Ăn Tết ngon, khỏe, vui: các chuyên gia khuyên thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cùng các đầu bếp, chuyên gia am hiểu ẩm thực ăn Tết thật ngon, khỏe, vui.
 Bánh chưng - món không thể thiếu trong ngày Tết - Ảnh: TR.N.
Bánh chưng - món không thể thiếu trong ngày Tết - Ảnh: TR.N.
Đã là Tết thì không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt kho trứng hay thịt kho măng... Nhưng theo tôi, dù với những món ăn cũ, chúng ta cũng nên "khoác" cho nó một "tấm áo mới" để luôn thấy thích thú khi thưởng thức.
Ví dụ như với bánh chưng, thay vì bóc ra ăn từng miếng rất ngấy, mình có thể dằm nhỏ ra, dàn mỏng và chiên giòn tan, trẻ nhỏ có thể cầm tay bốc ăn rất tiện lợi.
Ngoài ra, trước Tết một tuần là thời điểm thích hợp để các gia đình mua hoặc muối sẵn một hũ kim chi lớn, dưa kiệu để ăn kèm với các món Tết. Ngoài ra, nên nấu một nồi hầm lớn gồm các loại rau củ để khi nào "háo nước" quá có thể uống canh hầm thay vì ăn rau.
Còn riêng thịt kho, thay vì cắt miếng lớn, chúng ta có thể xắt miếng nhỏ hơn, khi ăn thì cuộn cùng rau và bánh tráng, ăn như món gỏi cuốn, khá ngon và không sợ...ế thịt.
Đó là về thức ăn, còn về nước uống, thì Tết nhà nào cũng sẽ có dưa hấu đỏ, bưởi...để chưng Tết. Các bạn có thể tận dụng hai loại trái cây này ép nước uống giải khát hoặc xắt nhỏ ra và trộn với dầu dấm để làm món salad trái cây, ăn rất ngon mà lại tiện dụng.
Riêng với dưa hấu, Thái Hòa chia sẻ với độc giả một công thức mới là dưa hấu áp chảo, rất dễ ăn, dễ làm và quan trọng là lạ miệng. Dưa hấu xắt miếng vừa ăn, áp chảo (không dùng dầu ăn, trên chảo nóng) để làm cháy cạnh miếng dưa.
 Dưa giá - Ảnh: TR.N
Dưa giá - Ảnh: TR.N
Các món thực phẩm tốt cho sức khỏe được chia làm 4 nhóm là nhóm đạm (thịt, trứng, gan); nhóm chất béo (bơ, sữa); nhóm tinh bột (cơm, bún, phở) và nhóm vitamin cùng khoáng chất (rau xanh, trái cây).
Chiếu theo bảng thành phần này thì dễ nhận thấy các món ăn ngày Tết đều là những món ăn rất giàu đạm, tinh bột. Vì thế dễ gây nóng, khó chịu trong người.
Do vậy, để cân bằng lại lượng đạm, tinh bột này, các bạn nên bổ sung thêm nhóm còn lại là vitamin và khoáng chất, chế biến thêm các món nộm (gỏi, salad) chỉ toàn rau thôi (không thịt heo, tôm, cá) để cung cấp một lượng chất xơ cho cơ thể. Ví dụ như nộm rau muống chẻ, hoặc làm thêm các món ăn kèm như dưa góp, su hào muối.
Các món nộm rau này, ngon nhất với nước mắm ngon pha chanh, và một ít vỏ chanh bào để dậy mùi thơm, sau đó hoàn chỉnh bằng một lớp mè rang rắc lên trên để tạo độ bùi. Riêng vitamin thì nước ổi ép, ăn đu đủ đều cung cấp thêm nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe, lại là những loại quả phổ biến, rất dễ tìm mua.
Những ngày Tết cũng là những ngày lịch trình ăn uống sinh hoạt khá thất thường, một ngày có thể ăn đến 6-7 bữa, thành ra tôi khuyên mọi người nên trữ sẵn trong tủ hai món tốt cho hệ tiêu hóa, giảm đầy bụng là sữa chua và cơm rượu. Đặc điểm của hai loại này là thực phẩn lên men, có tác dụng làm tiêu hóa thức ăn, giúp người nhẹ nhàng hơn.
Các loạt bánh mứt Tết rất hấp dẫn, tất nhiên rồi! Nhưng với những người lớn tuổi chúng ta hạn chế ăn, vì lượng đường trong mứt, bánh có thể gây huyết áp cao, tiểu đường cho những người có tiền sử bị bệnh này.
 Rau xanh - món không thể thiếu - Ảnh: TR.N
Rau xanh - món không thể thiếu - Ảnh: TR.N
Tôi ví dụ một trong những quan niệm sai mà mọi người vẫn hay làm đó là uống nước ngọt có ga trong bữa ăn vì nghĩ nó sẽ giúp tiêu hóa món ăn. Thực tế, nước ngọt có ga rất có hại.
Đối với những bữa ăn nhiều đạm như những bữa ăn ngày Tết, để tốt cho sức khỏe bạn nên chọn các loại nước có khả năng detox nhẹ như chanh dây, chanh muối. Đã là Tết thì không thể thiếu bánh chưng, thịt kho hột vịt...
Nhiều người cũng nghĩ ăn nhiều mấy món này sẽ rất mập nhưng lại sai nữa! Thịt kho hột vịt, nếu không ăn phần mỡ khổ thì chắc chắn sẽ không mập.
Ngoài ra lỡ có ăn bánh chưng bánh tét hơi nhiều chút thì Alain Nguyễn sẽ chỉ cho bạn hai món rau trộn rất dễ làm sau đây.
 Lỗ tai heo ngâm giấm - Ảnh: TR.N
Lỗ tai heo ngâm giấm - Ảnh: TR.N
Dưa leo mua về, xắt nhỏ, bóp muối, bỏ tủ lạnh cho giòn. Sau đó vắt hết nước, trộn nước sốt gỏi có tỏi, ớt, nước mắm ngon. Rắc lên một ít rau thơm và tôm khô lên là đã có ngay một món rau xanh ăn kèm các loạt thịt mỡ mà không bị ngán.
Món thứ hai là thay dưa leo bằng xoài xanh, quy trình làm vẫn giống như trên. Vị chua, giòn của các loại rau củ này sẽ trung hòa độ béo của những món ăn ngày Tết. Ngoài ra, salad cũng là món rau ngon nhiều dinh dưỡng tôi rất thích trộn ăn kèm.
Mọi người hãy ăn sao cho cái bụng mình dễ chịu, vừa vặn, đừng ăn quá nhiều, nhưng cũng đừng ăn kiêng trong mấy ngày Tết mà... Tết hết vui nhé!
Minh Trang (TTO)

Có thể bạn quan tâm