Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Ấn tượng khu farmstay của chàng trai Pa Kô trên dãy Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ 2 ha đất nương rẫy khô cằn của cha mẹ, chàng trai người Pa Kô Hồ Thanh Phương đã biến thành một trang trại cá tầm và khu farmstay ấn tượng trên dãy Trường Sơn thuộc vùng cao A Lưới, Thừa Thiên-Huế.

Từ ngã ba đi vào khu du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr trên đường Hồ Chí Minh, thuộc xã Hồng Kim (H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) du khách bắt gặp một "khu phố homestay" với hàng chục ngôi nhà được cải tạo xinh xắn, đèn điện lung linh với những bảng hiệu du lịch treo trước cổng… Khu du lịch theo mô hình farmstay được đầu tư bài bản, ấn tượng nhất là khu farmstay A Nôr - trang trại cá tầm của anh Hồ Thanh Phương (dân tộc Pa Kô, hiện là giám đốc kinh doanh của VNPT chi nhánh A Lưới).

Khu farmstay giữa rừng

Khu farmstay A Nôr của vợ chồng anh Hồ Thanh Phương nằm cuối tuyến du lịch, gần khu dịch vụ tắm suối A Nôr. Tại đây, bên cạnh những hồ nuôi cá tầm là những khu nhà sàn được xây dựng chất lượng.

Khu farmstay của anh Hồ Thanh Phương

Khu farmstay của anh Hồ Thanh Phương

Farmstay A Nôr hiện có 3 khu nhà sàn phục vụ lưu trú khách đơn lẻ hoặc đoàn với khả năng phục vụ tối đa khoảng 50 người. Các phòng nghỉ được xây dựng với kiến trúc gỗ thân thiện môi trường, có ban công và view đồi núi tuyệt đẹp. Mùa này, hoa đỗ quyên còn nở đỏ rực trên lối đi, phòng ngủ đêm mát lạnh khí trời với tiếng suối róc rách khiến du khách chìm đắm trong cảnh sắc thiên nhiên trong lành tuyệt diệu.

Nghị lực của chàng trai mồ côi

Mẹ mất sớm từ khi mới 12 tuổi, nhà nghèo còn hai em nhỏ, nên từ nhỏ Hồ Thanh Phương luôn trăn trở làm sao biến khu đồi núi khô cằn thành nơi có thể mang lại kinh tế để phục vụ gia đình và nuôi em ăn học.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Phương trở lại nương rẫy và bắt đầu cải tạo đất. Từ sức lao động của mình, Phương bắt đầu đào ao nuôi cá. Hồ cá cứ đào dẫn nước vào một đêm lại khô vì rò rỉ nước. Nước rỉ chỗ nào lại đắp chỗ đó và với sự kiên trì không mệt mỏi, sau 2 năm ròng rã cải tạo, Phương đã có hồ cá đầu tiên. Ban đầu anh thả các loại cá trắm, cá rô để cải thiện kinh tế gia đình, nhưng giá trị kinh tế không cao nên vẫn không đem lại hiệu quả như mơ ước.

Khi đang miệt mài cải tạo nương rẫy thì Phương may mắn nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại học với ngành công nghệ máy tính tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) theo chương trình cử tuyển dành cho con em đồng bào dân tộc miền núi.

Gác lại công việc nương rẫy, Phương lên đường học đại học với mong muốn kiếm được việc làm ổn định ở thành phố. "Xác định mình là người dân tộc, muốn thoát nghèo thì không còn con đường nào khác ngoài học, nên từ đầu mình đã học rất chăm chỉ. Học đến đâu phải nắm chắc kiến thức đến đó", Hồ Thanh Phương chia sẻ.

Hồ Thanh Phương kiểm tra vệ sinh ao nuôi cá tầm

Hồ Thanh Phương kiểm tra vệ sinh ao nuôi cá tầm

Với vốn kiến thức học được từ nhà trường, Phương bắt đầu đi làm thêm như sửa chữa máy tính, thiết bị văn phòng… để tự trang trải chi phí học tập.

5 năm học đại học theo đó cũng qua nhanh, sau khi tốt nghiệp đại học, Phương trở lại A Lưới và niềm đam mê núi rừng lại trỗi dậy. Phương tiếp tục bắt tay cải tạo nương rẫy, đào thêm ao thả cá… Lấy ngắn nuôi dài, đất đá từ việc đào hồ cá được đắp bồi và sắp xếp thành những lối đi quanh co trong vườn đồi với hoa đỗ quyên, hoa mua, hoa sim… thơ mộng.

Hồ Thanh Phương là nhân viên làm việc tại VNPT chi nhánh H.A Lưới. Cứ sau giờ làm, Phương lại trở về nương rẫy và làm việc cật lực nhằm cải tạo đất. Hằng ngày Phương thức dậy từ 3 giờ sáng và làm quần quật như một người nông dân thực thụ. Đến giờ làm việc, anh tắm rửa, thay áo quần để lên cơ quan.

Không chỉ cần mẫn với cải tạo đất vườn, Phương đăng ký học thêm văn bằng 2 Trường ĐH Kinh tế Huế để bổ sung kiến thức quản trị kinh doanh. Cùng thời gian này, anh cũng lên tận Tây Bắc, vào Đà Lạt để học tập các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp thành công của các địa phương.

Sau năm lần bảy lượt thất bại, đến nay anh Phương đã làm chủ được kỹ thuật nuôi cá tầm từ nguồn nước tự nhiên A Lưới. Mỗi lứa anh thả nuôi lên đến 1.000 con giống, sau khoảng 1 năm có thể thu hoạch với giá 300.000 đồng/kg (cá từ 1 - 10 kg/con). Sản phẩm cá tầm A Lưới của Hồ Thanh Phương giờ đây không chỉ là đặc sản của khu farmstay mà đã bắt đầu có mặt trên các nhà hàng đặc sản A Lưới, TP.Huế và các vùng lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam.

"Vợ em là giáo viên bộ môn khoa học tự nhiên ở Trường THPT A Lưới, sau khi kết hôn, thấy nỗ lực làm việc của em nên vợ cũng rất thương mà đồng hành với chồng để gầy dựng khu trang trại", Phương kể. Bỏ lỡ kế hoạch đi học cao học, người vợ trẻ đã một lòng đồng hành phụ giúp chồng xây dựng mô hình trang trại. Họ vay mượn cũng nhiều, nhưng may mắn đến nay mọi chuyện cũng bắt đầu đi vào ổn định, khu trang trại đã có nguồn thu từ du lịch và dùng để đầu tư cho nuôi cá.

Hiện khu farmstay A Nôr - trang trại cá tầm của Hồ Thanh Phương hoạt động ổn định với lượng khách đạt 80% phòng lưu trú mùa hè (từ tháng 3 - 8 trong năm). Nguồn thu ổn định đã giúp vợ chồng anh trang trải nợ nần, tiếp tục đầu tư mở rộng ao hồ, tạo việc làm ổn định cho 3 - 4 người dân địa phương với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Với vùng cao A Lưới thì mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp của anh Hồ Thanh Phương đang trở thành hình mẫu cho nhiều bạn trẻ học tập, phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình.

Có thể bạn quan tâm