Du lịch

Hành trang lữ hành

Ấn tượng rừng địa lan khoe sắc ở Vi Rơ Ngheo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) ấn tượng không chỉ bởi sự yên bình, sạch đẹp với nhiều nét văn hóa truyền thống mà dân làng còn gìn giữ, bảo tồn loài địa lan quý để thu hút khách du lịch.
Hoa địa lan Kiếm Hồng khoe sắc. Ảnh: NB

Hoa địa lan Kiếm Hồng khoe sắc. Ảnh: NB

Đến làng Vi Rơ Ngheo vào những ngày giáp Tết, đường đi hơi vất vả vì đã hư hỏng nhiều nhưng tiết trời thật dễ chịu, không nóng và cũng không quá lạnh. Làng vẫn thanh bình, yên ả như thường ngày. Nếp sinh hoạt của người dân ở đây vẫn vậy, như khi tôi đến đây nhiều năm trước. Tuy nhiên, khắp các lối đi vào làng, những cánh hoa mai anh đào và hoa địa lan bắt đầu khoe sắc tạo cho cảnh vật trở nên tươi tắn, rực rỡ hơn.

Chỉ về phía ngọn núi cao ngay phía trước nhà rông của làng, A Kiểu – một người dân trong làng cho tôi biết: Đó là đồi Ngọc Ki Ruông, dân làng ở đây vẫn gìn giữ và bảo tồn loài hoa địa lan dưới tán rừng già trên ấy, mùa này hoa đang nở rộ, đẹp nhất trong năm. Dân làng ở đây không cho bất kỳ ai lấy hoa lan từ ngọn đồi ấy, cây hoa mọc hoàn toàn tự nhiên và năm nào cũng khoe sắc.

Nghe có vẻ hấp dẫn, vậy là chúng tôi không ngần ngại chuẩn bị các vật dụng cần thiết để lên tận nơi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa này.

Từ nhà rông của làng, đi bộ tầm 40 phút thì đến đỉnh đồi Ngọc Ki Ruông, nơi có độ cao 1.405m so với mực nước biển, đường liên tục lên dốc nên ai cũng mồ hôi nhễ nhại, có chút mệt mỏi và quãng đường dường như dài thêm. Nhưng rồi mọi thứ vỡ òa khi sắc hồng của những cánh hoa địa lan dần xuất hiện và ngày cành nhiều hơn. Cả ngọn đồi khoác lên mình chiếc áo lộng lẫy và quý phái của những bông hoa địa lan kiếm hồng rực rỡ. Phải nói rằng, khi những bông hoa lan rừng được sinh sống và khoe sắc ở tự nhiên trông đẹp đẽ và kiêu sa làm sao!

Qua tìm hiểu loài địa lan kiếm hồng này có tên khoa học là Cymbidium insigne, cây thân thảo mọc ở đất, sống lâu năm; thường sinh trưởng và phát triển rải rác trong rừng thưa, phân bố ở độ cao 800 – 1.600m so với mực nước biển, nơi có khí hậu ẩm và mát mẻ; cánh hoa màu trắng hay hồng nhạt, đôi khi có vài chấm đỏ ở phần gốc, mùa ra hoa thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.

Có lẽ vì những cánh rừng nguyên sinh còn hiện diện nhiều nơi ở Vi Rơ Ngheo nên giữ được ẩm độ ổn định và khí hậu mát mẻ, là điều kiện tuyệt vời để loài địa lan kiếm hồng sinh trưởng và phát triển.

A Kiểu chia sẻ thêm, trước đây hoa địa lan kiếm hồng cũng như các loài phong lan khác nhiều lắm, hầu như các ngọn đồi ở làng đều có. Sau này, một phần do tình trạng xâm lấn rừng lấy đất sản xuất, một phần người dân lấy hoa ở rừng về trồng tại nhà nên lan rừng ngày càng ít đi. Giờ chỉ còn ở đồi Ngọc Ki Ruông này là nhiều nhất, dân làng đồng lòng gìn giữ và bảo tồn để chúng có thể sinh trưởng và phát triển theo cách tự nhiên nhất. Tất cả dân làng Vi Rơ Ngheo lẫn du khách không ai được lấy lan rừng hoặc bẻ hoa mang về. Ngoài ra, vào đầu tháng 2 hàng năm, hoa đỗ quyên khoe sắc khắp cánh rừng ở Ngọc Ki Ruông. Đây là thời điểm mọi người có thể ngắm được cùng lúc 2 loài hoa cùng khoe sắc màu rực rỡ trên cùng một cánh rừng.

Mải miết chụp ảnh những bông hoa tươi thắm nơi đại ngàn, hít thở bầu không khí bình yên và trong trẻo nhất, chúng tôi dường như đã quên đi khái niệm thời gian. Mãi đến khi mặt trời khuất dần sau dãy núi Ngọc Kring, mọi người mới vồn vã gom hành lý để quay lại làng trước khi trời tối. Thật thiếu sót nếu không nhắc đến những cây thông 5 lá cổ thụ, ấn tượng bởi vẽ đẹp uy nghi, thanh thoát đã tồn tại trên đỉnh Ngọc Ki Ruông từ bao giờ. Men theo đường mòn trên sườn núi đá cheo leo, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng Vi Rơ Ngheo ẩn hiện qua những tán rừng trông thật nên thơ và gần gũi.

Trên đường trở lại Măng Đen, cô bé Y Kiều, học sinh lớp 11, Trường PTDTNT huyện Kon Pông chia sẻ: Nhà em ở gần làng Vi Rơ Ngheo, nhưng đây là lần đầu tiên em được đến thăm làng và tận mắt chiêm ngưỡng rừng hoa lan ngoài tự nhiên nhiều đến vậy. Những cánh hoa rừng khoe sắc, mang lại cho em những cảm xúc rất dạt dào và vẻ đẹp cuốn hút, thân thiện. Qua chuyến đi, em thấy mọi người cần gìn giữ rừng, bảo tồn các loài hoa rừng nói riêng và hệ sinh thái rừng nói chung để rừng không những chở che con người khỏi thiên tai, hiểm họa mà còn mang đến những giá trị về tinh thần hết sức to lớn.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng Nguyễn Văn Bay cho biết, rừng địa lan kiếm hồng là một yếu tố nổi bật để thu hút du khách đến với Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. Với những cánh rừng có nhiều địa lan như thế này ở Việt Nam không còn nhiều, vì vậy đây là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho dân làng cần phải được gìn giữ và phát huy. Chính quyền xã cũng rất quan tâm, tuyên truyền người dân nên có ý thức bảo vệ loài hoa này ở ngoài tự nhiên. Xã cũng đã xây dựng kế hoạch để nhân giống, phát triển loài hoa này như một đặc điểm nổi bật, hấp dẫn khách du lịch đến với Vi Rơ Ngheo.

Có thể bạn quan tâm