(GLO)- Là một trong những bác sĩ may mắn được chăm sóc sức khỏe, thân gần với vị “Già làng Tây Nguyên” trong khoảng thời gian dài, những kỷ niệm đẹp về Anh hùng Núp vẫn đầy ắp trong trí nhớ của vị bác sĩ Nguyễn Khắc Quảng.
Tốn nhiều cuộc điện thoại, rồi tìm đến nhà lần thứ ba, chúng tôi mới gặp được ông. Ông phân trần, vì đã chuyển nhà về Đà Nẵng nên phải chia quỹ thời gian để sống ở hai thành phố. Bác sĩ Quảng vào chuyện rất nhanh, trước sự háo hức của những người trẻ đang nóng lòng muốn biết thêm những câu chuyện về cánh chim đầu đàn Tây Nguyên: Anh hùng Núp.
Bức ảnh Anh hùng Núp và bác sĩ Nguyễn Khắc Quảng chụp năm 1993 tại Hà Nội, vẫn được bác sĩ Quảng cất giữ trân trọng (ảnh chụp lại). |
Những câu chuyện từ ký ức
…Chiều 24-12-1975, tôi đặt chân đến Phố núi Pleiku. Đó cũng là đêm Giáng sinh đầu tiên của tôi ở Gia Lai-mảnh đất như cách tôi viết trong nhật ký “…đã cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ, sự nghiệp y khoa cho đồng bào các dân tộc, và không lấy bất kỳ thứ gì làm tài sản riêng”. Bù lại, nơi này đã cho tôi những vinh hạnh không ngờ trong cuộc đời làm bác sĩ.
Ngay khi nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (lúc đó gọi là Ty Y tế), Ban Giám đốc phân công tôi vào Ban Chăm sóc Sức khỏe cho lãnh đạo, cán bộ trung-cao của tỉnh. Tôi may mắn được chăm sóc, gần gũi với nhiều lãnh đạo, đặc biệt là Anh hùng Núp. Không hiểu sao nhưng ông rất quý tôi. Đi đâu ông cũng cho tôi theo cùng, chỉ trừ khi đi công tác nước ngoài.
Trong một chuyến đi cách đây đúng 20 năm, ngày 2-9-1993, ông cho tôi theo ra Hà Nội. Cùng đi có một cháu tên Thảo lo chuyện hậu cần. Ra tới Hà Nội, tôi rất muốn gọi một chiếc taxi để về nhà khách của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhưng ông bảo: “Gọi cho bác một chiếc xích lô, bác muốn ngắm đường phố Hà Nội”. Đạp xích lô là một người đã có tuổi. Bác ấy đi rất chậm, mồ hôi lấm chấm trên lưng, trên mặt. Thấy vậy, ông nói người xích lô dừng xe lại để ông đi bộ. “Sao cụ và hai cháu không để tôi chở về đến nhà khách mà dừng lại giữa chừng?-người đạp xích lô hỏi. “Thấy bác vất vả quá, tôi không đành lòng. Để chúng tôi đi bộ cũng được”. Sau câu trả lời của ông, phân vân một hồi, người đạp xích lô tiếp tục hỏi: “Hình như cháu gặp cụ ở đâu rồi, nhìn cụ quen quá”. Lúc này, Thảo lên tiếng: “Anh hùng Núp ở Tây Nguyên đấy bác ạ!”. Người đạp xích lô ôm chầm lấy ông, xúc động: “Ôi, cháu nghe tên cụ đã nhiều, bây giờ mới được gặp”.
Cũng trong chuyến đi này, Anh hùng Núp tới thăm Đại sứ quán Cuba. Tiếp ông là một nữ đại sứ và một số tùy viên. Ông đặc biệt quan tâm đến các cháu nhỏ con cháu của các tùy viên Đại sứ quán. Ông nói Thảo đưa cho một ít tiền, mừng tuổi từng cháu và dặn: “Bác không có quà cho các cháu, các cháu hãy dùng số tiền này mua sách vở học tập tại Việt Nam cho thật tốt, sau này còn đóng góp cho đất nước”. Từ đại sứ quán Cuba trở về nhà khách, khi đi qua các tuyến đường Bà Triệu, Quang Trung… nhiều người dân phát hiện ra ông. Họ đổ ra mỗi lúc mỗi đông, quây quần, hỏi thăm ông đủ chuyện. Ai cũng xúc động khi được đứng cạnh ông, nhìn thấy người anh hùng của Tây Nguyên bằng xương bằng thịt.
Sau khi hoàn tất mọi công việc của chuyến đi, chúng tôi đưa ông đến Viện Mắt để khám trước khi về lại Pleiku. Tình cờ, các giáo sư phát hiện ông bị bệnh Glocom (dân gian hay gọi là bệnh thiên đầu thống-nguyên nhân gây mù chỉ đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể) và chỉ định phải mổ ngay. Những ngày ông nằm viện, các chú, các bác ở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là sự có mặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến thăm hỏi sức khỏe. Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam và một người được ví như “Già làng của Tây Nguyên” đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện rất tình cảm.
Bok Núp giữa đời thường
Suốt cuộc đời tôi luôn nhớ nụ cười của ông. Đó là nụ cười đôn hậu luôn khiến mọi người thấy an lòng. Ông lúc nào cũng cười. Ngay cả khi phải mổ ở Viện Mắt lúc tuổi đã cao, hay gặp những chuyện không hài lòng, ông vẫn cười. Ông luôn có sức hút đặc biệt với mọi người. Ngay cả “thói xấu” của ông cũng thật dễ thương. Tôi nhớ ông có thói quen hay uống rượu. Nhưng khi uống vào ông cười nhiều hơn. Và hoặc là im lặng, hoặc nói rất nhiều. Vì thế, người ta “thương” cả những lúc say của ông. Ông cũng là người sống rất kỷ luật. Suốt một tuần nằm ở Viện Mắt, có những quy định “gây khó” cho ông bởi tính ông ưa tự do, nhưng ông vẫn nghiêm chỉnh, vui vẻ chấp hành.
Người ta nói người Tây Nguyên sống rất phóng khoáng, có thể thấy ông điển hình cho tính cách ấy. Ông luôn hỏi chúng tôi có thiếu thốn gì không để ông cho tiền mua. Ông có tiền cũng không giữ được trong người quá lâu. Những năm tháng theo chăm sóc ông, tôi chỉ là một bác sĩ trẻ. Nhưng ông rất quan tâm, và “chiều” tôi. Có lần tôi khen ông có hàm râu đẹp. Ông nói: “Nếu cháu thích, bác cho cháu nhổ vài sợi”. Nhưng sợ ông đau, tôi chỉ nhổ một sợi duy nhất, và ép trân trọng cùng với tấm ảnh chụp tôi và ông những ngày ở Hà Nội. Thỉnh thoảng, ông cho tôi vài món đồ cá nhân khiến tôi rất thích. Chẳng hạn chiếc tẩu ông hay dùng hút thuốc, chiếc áo ông mặc đã cũ, hay điếu xì gà lấy từ hộp xì gà mà Phiden Ca-xtơ-rô gửi tặng ông…
Khi vào Tây Nguyên, tôi là một chàng trai Hà Nội, nhưng chính mảnh đất này và may mắn được gần ông trong một khoảng thời gian đã “Tây Nguyên hóa” con người tôi. Anh hùng Núp đi xa đã hơn 10 năm, nhưng tôi vẫn “gặp” ông ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Mỗi lần đến đây thắp cho ông nén nhang, tôi thấy lòng nhẹ nhàng vô cùng…
Hoàng Ngọc