TN - Đất & Người

Thủ phủ cà phê vẫn chưa hết lo dù giá tăng đột biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá cà phê hạt đang tăng đột biến và duy trì ở mức cao, song Đắk Lắk - thủ phủ cà phê của cả nước vẫn bộn bề nỗi lo.

Thời điểm này, Đắk Lắk - thủ phủ cà phê của cả nước đang bước vào vụ thu hoạch. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh diện tích 212.000ha, sản lượng khoảng 354.000 tấn, chiếm khoảng 30% diện tích của cả nước và 33% diện tích của Tây Nguyên.

Niên vụ cà phê 2023-2024 chứng kiến giá cà phê hạt đạt kỷ lục, giá tăng đột biến. Bình quân khoảng 100.000 đồng/kg, có thời điểm đạt mức 135.000 đồng/kg. Đây là giá cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 82% so với niên vụ trước và gần gấp 3 lần so với các năm trước đây.

Nông dân vui mừng khi cà phê được giá
Nông dân vui mừng khi cà phê được giá

Giá cà phê tăng cao song niên vụ này tiếp tục “mất mùa được giá”. Theo số liệu của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, vụ vừa qua, tỉnh có hơn 18.700ha cà phê bị thiệt hại. Trong đó, trên 1.000ha bị thiệt hại hoàn toàn.

Biến đổi khí hậu, hạn hán, sâu bệnh khiến lượng cà phê sụt giảm mạnh. Niên vụ qua, tổng sản lượng cà phê của Đắk Lắk đạt hơn 535.000 tấn, giảm 23.000 tấn so với niên vụ trước.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, không chỉ ở Việt Nam, giá cà phê trên thế giới thời gian vừa qua cũng tăng cao chủ yếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, dẫn đến giảm nguồn cung. Ngoài ra, những cuộc xung đột quân sự trên thế giới cũng khiến chi phí vận chuyển và nhiều chi phí khác trong xuất khẩu tăng cao.

Dù mất mùa nhưng được giá nên kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt 915 triệu USD, tăng 168 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 17% so với cả nước. Theo nhận định của Sở Công Thương Đắk Lắk, cà phê xuất khẩu của tỉnh chủ yếu vẫn là cà phê nhân (sản phẩm thô), tỷ trọng cà phê qua chế biến xuất khẩu hàng năm tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh.

Việc giá cà phê tăng rõ ràng mặt tích cực làm cho đời sống của người sản xuất cà phê được tăng lên. Người nông dân có của ăn của để, tái đầu tư cho cà phê tốt hơn và không chạy theo những cây trồng khác. Hoặc nếu chạy theo những cây trồng khác thì vẫn giữ cây cà phê.

“Ngành nông nghiệp khuyến cáo khi giá cà phê lên cao kích thích nông dân chạy theo những lợi ích ngắn hạn, không đầu tư vào chất lượng mà chạy theo sản lượng. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý nữa, nghĩa là người ta nhận thấy rằng, không làm cà phê chất lượng cao thì vẫn có giá tốt”, ông Dương lưu ý.

Để phát triển ngành hàng cà phê phát triển bền vững trong thời gian tới, quan điểm của tỉnh Đắk Lắk là ổn định diện tích hiện có, rà soát lại diện tích không phù hợp để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn, không chạy theo số lượng mà quan tâm đến chất lượng.

Quản lý tốt ngành hàng, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột thành phố cà phê của thế giới. Sở NN&PTNT Đắk Lắk đang trình tỉnh phê duyệt đề án cà phê bền vững giai đoạn mới có những chính sách phù hợp để hỗ trợ thích đáng cho chuỗi ngành hàng từ sản xuất - chế biến - thương mại bền vững.

Theo Huỳnh Thủy (TPO)

Có thể bạn quan tâm