Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã được chấp thuận cho rời đội tuyển Việt Nam, đồng nghĩa với việc cô sẽ không dự SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà vào giữa năm 2022.
Quyết định chia tay tuyển Việt Nam đã được Ánh Viên cân nhắc rất lâu, kỹ càng. Hôm 16.11, Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam và đơn vị chủ quản của Ánh Viên – đoàn Quân đội đã thống nhất về điều này. Việc không có sự phục vụ của Ánh Viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của đội tuyển bơi Việt Nam nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung.
Ánh Viên bắt đầu dự SEA Games từ năm 2011, nhưng ở kỳ đại hội trên đất Indonesia năm đó, vận động viên quê Cần Thơ chỉ có 2 huy chương bạc. 2 năm sau, Ánh Viên bắt đầu gây tiếng vang ở khu vực khi giành được 3 Huy chương vàng. Kể từ đây, nữ kình ngư Việt Nam luôn là cái tên "hot", làm dậy sóng đường đua xanh ở SEA Games.
Tại SEA Games 2015, Ánh Viên gây sửng sốt cho khu vực và thế giới khi đoạt đến 8 huy chương vàng và phá đến 8 kỷ lục của Đại hội. Truyền thông Singapore gọi cô là "Iron Girl" (cô gái thép) để tôn vinh khả năng thi đấu bền bỉ, toàn diện và có khả năng đoạt nhiều Huy chương vàng ở nhiều kiểu bơi, cự ly khác nhau. Đấy cũng là nick name được mô phỏng theo "Iron Lady" – biệt danh của nữ kình ngư nổi tiếng Katinka Hosszu (Hungary).
Ánh Viên (giữa) là vận động viên bơi vĩ đại của thể thao Việt Nam trong suốt 1 thập kỷ qua. Ảnh: AFP |
Có Ánh Viên rực sáng, đoàn Thể thao Việt Nam vững vàng ở vị trí thứ 3 về thành tích tại SEA Games năm đó với 73 Huy chương vàng, 53 huy chương bạc và 60 huy chương đồng. Dễ hiểu hơn, nữ kình ngư sinh năm 1996 chiếm gần 1/9 số lượng huy chương vàng của đoàn Thể thao Việt Nam.
Sự phụ thuộc vào Ánh Viên tiếp tục được thể hiện tại SEA Games 2017 – nơi cô không phá nhiều kỷ lục như trước nhưng vẫn có được 8 huy chương vàng. Có cô, đoàn Thể thao Việt Nam bảo vệ mong mong vị trí thứ 3 chung cuộc với 58 Huy chương vàng, chỉ hơn đoàn Singapore đúng… 1 huy chương vàng. Số lượng huy chương vàng của Ánh Viên năm đó còn hơn cả 5 đoàn khác là Myanmar, Campuchia, Lào, Brunei và Timor-Leste.
Đến SEA Games 2019 tại Philippines, Ánh Viên đã sa sút so với chính mình nhưng vẫn là ngôi sao ở sân chơi khu vực khi có 6 huy chương vàng. Tại Đại hội này, đoàn Thể thao Việt Nam xuất sắc đứng hạng 2 toàn đoàn với 98 huy chương vàng, hơn đoàn đứng sau là Thái Lan đúng… 6 huy chương vàng.
Tổng cộng sau 5 lần dự SEA Games, Ánh Viên đã đoạt được 25 huy chương vàng, 9 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Cô là vận động viên Việt Nam giàu thành tích nhất ở sân chơi này từ trước đến nay. Kình ngư Việt Nam đứng thứ 4 trong số những vận động viên giàu thành tích nhất ở sân chơi này sau Joscelin Yeo (40 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 3 huy chương đồng), Patricia Chan (39 huy chương vàng) và Tao Li (29 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 3 huy chương đồng).
Vắng Ánh Viên tại SEA Games 31 trên sân nhà, đội tuyển bơi Việt Nam có nguy cơ mất vị trí số 2 về thành tích vào tay các đoàn khác, sau khi liên tục đứng sau Singapore ở những đại hội gần đây. Ngoài ra, thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng khi mất đi 1 "mỏ vàng" lớn.
Tuy nhiên, sự chia tay của Ánh Viên cũng dọn đường, thúc đẩy sự đổi mới của bộ môn bơi, đặc biệt là việc lên chương trình tập huấn nước ngoài, đầu tư trọng điểm một cách đúng đắn, hợp lý để hướng đến những giải đấu lớn khác, không chỉ chăm chăm vào việc "săn vàng" SEA Games.
NGUYỄN ĐĂNG (LĐO)