(GLO)- Hôm qua (8-5), lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 4 lĩnh vực ưu tiên là: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án công nghiệp hỗ trợ sẽ khóa trần 15%/năm. Đây là cột mốc cho đà tiếp tục hạ lãi suất trên thị trường.
Áp trần cho vay các lĩnh vực ưu tiên
Mức chênh lệch 3% giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay là điều kiện cho 4 nhóm ưu tiên với các khoản vay ngắn hạn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án xản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản suất-kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho nhu cầu vay để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đối với các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn như: Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, việc áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay các lĩnh vực ưu tiên khoảng từ 15% đến 16%/năm đã được triển khai thời gian qua. Hiện trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng trở lên là 12%/năm, theo đó mức lãi suất cho vay tối đa là 15%/năm. Việc áp trần sẽ giúp thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Song trước đó, ngay cả khi chưa ban hành quyết định áp trần cho vay, nhiều ngân hàng cũng đã tung ra các chương trình tín dụng với giá hấp dẫn để kích thích khách hàng. Dù vậy, trên thực tế lãi suất vẫn còn ở mức cao.
Từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng trên địa bàn ở mức rất thấp, dư nợ hiện tại chỉ đạt 27.600 tỷ đồng. Nguyên nhân theo nhiều ngân hàng là khách hàng ngại vay, hoặc không đảm bảo các điều kiện của ngân hàng-lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phân tích.
Hạ lãi vay theo đà giảm của lạm phát
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như áp dụng trần lãi suất huy động, cho vay một số lĩnh vực ưu tiên, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Thực chất so với đầu năm, đến thời điểm này, lãi vay đã giảm từ 3% đến 4%/năm. Dù ở mức 15% đối với các đối tượng vay là: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án công nghiệp hỗ trợ, nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, mức lãi vay này vẫn còn khá cao so với mức độ sinh lời. Và lãi vay sẽ giảm không chỉ ở các lĩnh vực ưu tiên mà sẽ từng bước giảm ở các đối tượng vay khác khi lạm phát được kiểm soát.
Thông điệp này đã và đang được thực hiện một cách có hiệu quả khi chỉ số giá tiêu dùng tỉnh ta trong tháng 4 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 1,87% so với tháng 12 năm trước. Đây là mức tăng thấp hơn mức tăng của cả nước (2,6% so với tháng 12 năm trước và tăng 10,54% so với cùng kỳ năm trước).
Theo lãnh đạo các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm dần trong thời gian tới khi chi phí huy động vốn đầu vào được cắt giảm theo trần lãi suất huy động, bên cạnh việc áp trần 15% với một số nhóm ưu tiên và sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay giảm dần.
Áp dụng trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn rất cần sự chia sẻ từ phía ngân hàng.
Thảo Nguyên