Thời tiết

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão SONCA, miền Trung và Tây Nguyên mưa lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trưa 14-10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là SONCA.


Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 250 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h.
 

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão SONCA. Ảnh Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão SONCA. Ảnh Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia


Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có mưa bão; gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động rất mạnh.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Bão SONCA giật cấp 10, gây mưa lớn từ Thừa Thiên- Huế đến Quảng Ngãi.

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo từ chiều tối 14-10, khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tổng lượng mưa cả đợt từ ngày 13 đến hết ngày 16-10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến từ 200-500 mm, có nơi trên 600 mm. Riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi 400-600 mm, có nơi trên 800 mm.

Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ hôm nay (14-10) đến ngày 17-10, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-10 m, hạ lưu từ 1,5-5 m. 

Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai khả năng lên mức báo động 2-3 và trên báo động 3; các sông Quảng Bình, Khánh Hòa và Đak Lak lên mức báo động 2-3, có sông trên báo động 2; nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng.

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đak Lak; cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

PHƯƠNG VI(tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm