Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

Áp thấp nhiệt đới mới gần Biển Đông sẽ di chuyển thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sáng nay, một áp thấp nhiệt đới mới xuất hiện gần Biển Đông. Cuối tuần trước, các chuyên gia dự báo nó sẽ vào Biển Đông và mạnh lên thành bão nhưng những dự báo mới nhất cho thấy hướng đi của nó sẽ thay đổi.

Sáng nay (27.9), Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết khu vực phía đông bắc của Philippines hình thành một áp thấp nhiệt đới và dự báo có thể mạnh lên thành một cơn bão mạnh.

Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông có thể mạnh lên thành bão

Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông có thể mạnh lên thành bão

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy cuối tuần trước dự báo trên Thanh Niên về cơn bão mạnh vào đầu tháng 10 vào Biển Đông.

Tuy nhiên hiện nay theo bà Lan, diễn biến của cơn bão này có nhiều thay đổi. Nguyên nhân là từ 30.9, phía bắc có một đợt không khí lạnh cường độ mạnh tăng cường xuống phía nam ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta. Đợt không khí lạnh này khiến hướng di chuyển của cơn bão có khả năng thay đổi lên phía bắc ảnh hưởng tới Đài Loan (Trung Quốc) thay vì đi về hướng tây vào Biển Đông của Việt Nam.

"Có khả năng đây là cơn bão mạnh nên vùng ảnh hưởng rộng, hướng đi phức tạp có thể thay đổi do ảnh hưởng của nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Chính vì vậy, trong những ngày tới Biển Đông có khả năng tiếp tục có sóng to gió lớn bà con ngư dân hoạt động trên Biển Đông đặc biệt là bắc Biển Đông cần lưu ý phòng tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan", bà Lan lưu ý.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Đêm qua và sáng sớm nay, ở khu vực nam Trung bộ, Nam bộ và Lâm Đồng có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 26.9 đến 3 giờ ngày 27.9 cục bộ có nơi trên 50mm như: Đạ Tẻh (Lâm Đồng) 61,2mm, Châu Phú (An Giang) 54mm…

Dự báo ngày và đêm 27.9, khu vực nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10 - 30mm, cục bộ có nơi trên 50mm, mưa tập trung vào chiều và tối. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất.

Theo Chí Nhân (TNO)

Có thể bạn quan tâm