Những dư âm từ thành công của Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017; trong đó nổi bật là Hội nghị Cấp cao APEC, vẫn tiếp tục là đề tài được báo chí và dư luận quốc tế quan tâm, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của nước chủ nhà Việt Nam trong sự kiện kinh tế quan trọng bậc nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương này.
Hãng tin Sputnik của Nga vừa đăng tải bài viết với tiêu đề "Việt Nam ở trung tâm cơ cấu kinh tế mới của APEC", trong đó nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng diễn ra vào thời điểm quan trọng trong chính sách kinh tế thế giới.
Quang cảnh hội nghị. |
Việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC củng cố thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á, cũng như toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Với vai trò chủ nhà, Việt Nam thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Hội nghị Cấp cao APEC cũng là một cơ hội để Hà Nội tiếp tục hợp tác với hai đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, cũng như với Nhật Bản khi nước này tham gia vào định dạng mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
Trong khi đó, báo chí Uzbekistan cũng đi sâu phân tích APEC 2017 là tiêu điểm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là đóp góp quan trọng hơn cả của Việt Nam trong hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua hội nhập quốc tế sâu rộng, giúp Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức khu vực và quốc tế trong năm APEC 2017 sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam phát triển "sức mạnh mềm".
Việc Việt Nam trở thành nước chủ nhà APEC đầu tiên được mời dự Hội nghị G-20 trong năm nay là bằng chứng cho thấy bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao những sáng kiến và ý tưởng về hợp tác của Việt Nam ở ngoài khu vực.
Chủ đề của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng hướng tới tương lai" đã nhận được sự ủng hộ từ bạn bè và các đối tác của Việt Nam.
Việc xác định đúng chủ đề, các ưu tiên và phương hướng hợp tác của APEC 2017 cho thấy tầm nhìn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đó là tầm nhìn về triển vọng hòa bình, ổn định và phát triển năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đầu tầu về phát triển kinh tế và hội nhập khu vực quốc tế.
Theo các nhà phân tích, việc tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là sự cụ thể hóa đường lối tích cực hội nhập quốc tế và làm sâu sắc quan hệ song phương toàn diện với các đối tác của Việt Nam.
APEC 2017 giúp Việt Nam phổ biến các giá trị văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh một đất nước đang phát triển năng động với nhiều tiềm năng giữa bạn bè quốc tế. Không chỉ APEC mà Việt Nam cũng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới của mình.
Giới truyền thông Đài Loan của Trung Quốc cũng đánh giá cao vai trò chủ nhà của Viêt Nam, đặc biệt thông qua sự chuẩn bị rất chu đáo về xây dựng các chương trình hội nghị, công tác lễ tân, công tác an ninh và hậu cần.
Vai trò chủ đạo của Việt Nam tại APEC 2017 càng được tôn vinh hơn nhờ sáng kiến lần đầu tiên tổ chức đối thoại không chính thức giữa lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), coi đây là cơ hội hiếm có để đại diện Đài Loan có thể gặp gỡ trao đổi trực tiếp lãnh đạo các nền kinh tế tham dự hội nghị.
Đài BBC của Anh cũng đã có bài phân tích về những lợi ích mà Việt Nam có được trong vai trò chủ nhà APEC 2017 với tiêu đề "Tổ chức APEC, Việt Nam được gì?".
Bài viết nêu rõ với Việt Nam, tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là sự kiện vô cùng quan trọng. Đây là khi một nước tương đối nhỏ trên thế giới lại là sân khấu trung lập cho các nền kinh tế lớn và đồng thời thúc đẩy nghị trình riêng cho mình.
Hội nghị tạo cho Việt Nam cơ hội tái khẳng định chính sách ngoại giao đa phương - tức là đồng thời thúc đẩy quan hệ với nhiều nước quan trọng.
Cùng lúc, APEC 2017 là diễn đàn để Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh, đem lại lợi ích về chính trị, kinh tế, ngoại giao cho đất nước.
Suốt gần 30 năm qua, Việt Nam đã thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, trong đó đa dạng hóa trong quan hệ đối tác, đa phương hóa và tập trung vào hội nhập chủ động. Việt Nam luôn nhấn mạnh là bạn và đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Sự kiện lần này cũng cho thấy Việt Nam có thể tự tin đón tiếp các lãnh đạo của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe... Việt Nam tìm thấy sức mạnh trong quan hệ đối tác sâu rộng. Chủ nghĩa đa phương đã đem lại lợi ích kinh tế to lớn.
Tổ chức APEC đồng nghĩa Việt Nam có thể chứng tỏ cho cộng đồng toàn cầu thấy một sự thành công về ngoại giao, chứng tỏ Việt Nam là bạn, là đối tác đáng tin cậy của quốc tế.
Tựu chung lại, tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017 đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Việt Nam có thể tái khẳng định chính sách ngoại giao đa phương, thắt chặt hợp tác cả song phương và đa phương.
Việt Nam có thể giúp chống lại làn sóng bảo hộ, thúc đẩy thương mại tự do dựa trên tăng trưởng sáng tạo, bao gộp và bền vững. Tất cả những lợi ích này phù hợp với mục tiêu của Việt Nam nhằm duy trì hòa bình, ổn định để giúp phát triển.
Dẫn nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, báo Jerusalem Post của Israel cho biết với Tổng thống Mỹ, chuyến thăm tới châu Á, trong đó có tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Việt Nam, đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Ông đánh giá cao những giá trị về mặt kinh tế mà chuyến đi lần này mang lại với ước tính các thỏa thuận ký kết trong chuyến đi sẽ tạo ra ít nhất 300 tỷ USD và con số này sẽ còn nhân lên khi các thỏa thuận được triển khai.
Sau chuyến đi, Tổng thống Trump đã đăng một video dài 45 giây cùng dòng chú thích "Cảm ơn châu Á" lên trang Twitter của mình trong đó mở đầu bằng hình ảnh đường phố Hà Nội.
Trước đó, Tổng thống Mỹ đã gửi lời cảm ơn sự tiếp đón của các nước, bao gồm Việt Nam.
Theo TTXVN/Vietnam+