Kinh tế

Ayun Pa gặp khó trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, thị xã Ayun Pa chú trọng đầu tư vào Cụm Công nghiệp (CCN) Ia Sao gắn với huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư các dự án công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Cụm Công nghiệp Ia Sao (xã Ia Sao) được thành lập theo Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 20-11-2017 của UBND tỉnh với diện tích 15 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp là 10,48 ha với tổng số 28 lô đất quy hoạch. Ủy ban nhân dân thị xã đã tổ chức quy hoạch chi tiết CCN, bố trí vốn đầu tư hạ tầng CCN nhằm tạo mặt bằng sạch, có đủ hạ tầng kỹ thuật cho các nhà đầu tư. Đến nay, thị xã đã triển khai đầu tư hạ tầng CCN với tổng kinh phí 26,97 tỷ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng 15 ha, lắp đặt hệ thống điện và đèn chiếu sáng, hệ thống đường giao thông...

Tính đến tháng 6-2023, CCN Ia Sao có 2 dự án đi vào hoạt động gồm: Dự án trạm trộn bê tông nhựa nóng của Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai (công suất 104 tấn/giờ) với tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng; Dự án sản xuất phân vi sinh của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai có tổng vốn đầu tư hơn 37 tỷ đồng, diện tích đất 3,19 ha. Hai đơn vị này giải quyết việc làm cho 65 lao động và hàng năm đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp hơn 27 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Thái Hòa-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: “Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh có công suất 9.000 tấn/năm, đi vào hoạt động thử nghiệm từ cuối năm 2022. Đến cuối năm nay, nhà máy sẽ đưa dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động chính thức. Sản phẩm sản xuất bán cho bà con trồng mía trên địa bàn và một số nhà máy đường thuộc Tập đoàn. Với tiềm năng mở rộng thị trường, Công ty đang có kế hoạch nâng công suất lên 34.000 tấn/năm và phát triển thêm một số sản phẩm khác. Tuy nhiên, để mở rộng nhà máy, Công ty cần thêm diện tích đất 3-5 ha nữa nhằm ổn định quy trình đảo ủ chuẩn bị nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất”.

Dự án trạm trộn bê tông nhựa nóng của Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai có công suất 104 tấn/giờ. Ảnh: Vũ Thảo

Dự án trạm trộn bê tông nhựa nóng của Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai có công suất 104 tấn/giờ. Ảnh: Vũ Thảo

Bên cạnh 2 dự án trên, hiện Công ty TNHH một thành viên Minh Khang Cao Nguyên đang đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu thuốc lá và vỏ cây thuốc lá tại CCN Ia Sao có công suất 1.000 tấn nguyên liệu/năm với tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV-2023. Ngoài ra, còn có 3 dự án đang đề xuất xin chủ trương đầu tư vào CCN này gồm: Dự án xây dựng nhà máy sản xuất chất đốt từ phế phẩm nông nghiệp với công suất dự kiến 500 tấn sản phẩm/tháng, tổng vốn đầu tư 11,25 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà máy xay xát, chế biến nông sản với công suất dự kiến 1.500 tấn/tháng, tổng vốn đầu tư 4,15 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất viên nén và dăm gỗ với công suất dự kiến 30.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng.

Công tác triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Ia Sao về cơ bản đã hoàn thiện, phù hợp với định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thị xã Ayun Pa đến năm 2030. Tuy nhiên, mặt bằng CCN vẫn chưa được hoàn chỉnh, chưa có các công trình xử lý rác thải trong CCN; công tác quản lý tại CCN còn hạn chế do không có Ban Quản lý CCN riêng biệt mà giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã kiêm nhiệm quản lý.

Ông Nguyễn Trường Sơn-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-đánh giá: “Tháng 4-2022, lãnh đạo UBND tỉnh, thị xã và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã tổ chức hội nghị thu hút đầu tư với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tìm hiểu về lợi thế và khảo sát thực tế, so sánh giá đất với một số địa phương lân cận, các doanh nghiệp cho rằng giá đất ở Ayun Pa quá cao. Một khó khăn nữa trong thu hút đầu tư là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung xây dựng chưa được điều chỉnh đồng bộ; việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng CCN, nhất là đầu tư mở rộng giai đoạn 2 còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn kinh phí của thị xã còn hạn chế nên chưa thể bao phủ hết các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Do đó, nhiều dự án trong danh mục đã kêu gọi trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư quan tâm. Nếu xác định Ayun Pa trở thành vùng kinh tế động lực phía Đông Nam tỉnh thì cần phải có cơ chế riêng để địa phương phát triển và hấp dẫn được các nhà đầu tư, từ đó nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho lao động địa phương; kích thích các ngành nghề xây dựng, dịch vụ và các ngành nghề khác cùng phát triển nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

Dự án sản xuất phân vi sinh của Công ty cổ phần phát triển Nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai tại Cụm Công nghiệp Ia Sao chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức. Ảnh: Vũ Thảo

Dự án sản xuất phân vi sinh của Công ty cổ phần phát triển Nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai tại Cụm Công nghiệp Ia Sao chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức. Ảnh: Vũ Thảo

Dự kiến giai đoạn 2023-2025, CCN Ia Sao sẽ được mở rộng thêm 35 ha, nâng tổng diện tích lên 50 ha. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, tiềm năng, động lực phát triển kinh tế tại CCN chưa thực sự thuyết phục các nhà đầu tư, do đó đến nay mới chỉ có 3 doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động (tỷ lệ lấp đầy đạt 51,43%). Cơ chế chính sách kêu gọi thu hút nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học chưa được đẩy mạnh và đồng bộ.

“Lợi thế của thị xã Ayun Pa và các huyện lân cận như Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa là nuôi chim yến. Song, đa phần các hộ nuôi đều bán thô sản phẩm với giá khoảng 20 triệu đồng/kg, trong khi các nơi họ thu về chế biến tinh thì giá trị có thể đạt gần 100 triệu đồng/kg. Vì vậy, rất mong tỉnh quan tâm kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ chim yến. Bên cạnh đó, sản lượng nguyên liệu thuốc lá ở khu vực này cũng rất lớn nên nếu có nhà máy tinh chế sẽ hạn chế được tình trạng người dân sấy thuốc lá bằng củi khô, đồng thời nâng cao giá trị cho cây trồng này”-Chủ tịch UBND thị xã đề xuất.

Có thể bạn quan tâm