Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Ayun Pa nâng cao chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, thị xã Ayun Pa luôn quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Xã Chư Băh có trên 86% dân số là người DTTS. Vì vậy, Đảng ủy xã đặc biệt quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức người DTTS. Bí thư Đảng ủy xã Lê Hữu Thùy cho biết: Hiện xã có 21 cán bộ, công chức, trong đó có 6 đồng chí là người DTTS, chiếm 28,6%; cán bộ người DTTS trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã là 2/5 đồng chí, Ban Chấp hành Đảng bộ xã là 6/14 đồng chí, HĐND xã là 11/21 đồng chí.

Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác, Đảng ủy xã yêu cầu cán bộ, công chức phải nêu cao tinh thần tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện tối đa để cán bộ, công chức hoàn thiện trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở. Vì vậy, đến nay, 100% cán bộ, công chức người DTTS tại xã có trình độ chuyên môn đại học, trung cấp lý luận chính trị; 1 đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã đang học cao cấp chính trị. Đây là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Ảnh: Vũ Chi

Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Ảnh: Vũ Chi

Đang theo học lớp cao cấp lý luận chính trị, bà Nay HUyên-Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Băh-cho biết: “Đi lên từ cán bộ Mặt trận cơ sở, trên cương vị mới với trách nhiệm nặng nề, tôi nhận thấy việc học tập nâng cao trình độ là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tôi cố gắng cân bằng, vừa học vừa làm để không ảnh hưởng đến công việc cơ quan”.

Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở thị xã Ayun Pa chiếm tỷ lệ cao, đa số công tác ở các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội. Nhiều cán bộ cấp xã khi bố trí công tác xuất phát từ uy tín của họ với người dân nhưng trình độ chuyên môn còn hạn chế, khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin, điều hành công việc còn yếu. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ mọi mặt.

Anh Ksor Ven-công chức Địa chính-Xây dựng xã Ia Rbol-chia sẻ: “Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, tôi đang theo học lớp đại học luật từ xa. Trình độ nâng lên giúp tôi tự tin, giải quyết công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn”.

Quy hoạch hợp lý

Theo Chủ tịch UBND xã Ia Rbol Trần Trọng Kim, công tác đào tạo, bồi dưỡng là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng. Thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nên chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS có nhiều chuyển biến tích cực, tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ.

Nhờ không ngừng học tập nâng cao trình độ, nhiều cán bộ DTTS tại xã Chư Băh được bố trí chức vụ cao trong cấp ủy, chính quyền. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ không ngừng học tập nâng cao trình độ, nhiều cán bộ DTTS tại xã Chư Băh được bố trí chức vụ cao trong cấp ủy, chính quyền. Ảnh: Vũ Chi

Bên cạnh đó, căn cứ vào quy hoạch cán bộ và yêu cầu tình hình cụ thể của địa phương, cấp ủy, chính quyền đã chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ người DTTS phát huy năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong tổng số 19 cán bộ, công chức xã Ia Rbol có 10 người DTTS; trong số này, 9 người có trình độ đại học, 1 người có trình độ trung cấp đang liên thông lên đại học. Về trình độ lý luận chính trị, 1 người có trình độ cao cấp, còn lại đã hoàn thành chương trình trung cấp. Cơ cấu cán bộ người DTTS trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã có 8/14 người; Ban Thường vụ Đảng ủy xã 2/5 người; đại biểu HĐND xã 14/17 người.

Đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS tại thị xã, bà Hà Thị Thu Huyền-Trưởng ban Tổ chức Thị ủy-nhận xét: Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS và cán bộ chủ chốt xã, phường tại thị xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, năng lực tốt. Nhờ am hiểu phong tục, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, họ dễ dàng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động, phong trào tại địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều đồng chí được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công.

Ban Thường vụ Thị ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ chính sách, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị dành cho đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS. Sau khi hoàn thành khóa học, đội ngũ này được đánh giá, xem xét, bố trí vào vị trí, chức danh phù hợp. Đến nay, 98% cán bộ trong quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn chức danh quy hoạch.

“Hiện trong tổng số 136 cán bộ, công chức thị xã có 25 đồng chí là người DTTS, chiếm 18,4%. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã khóa XIX chiếm 15,2%, trong Ban Thường vụ Thị ủy khóa XIX là 18,2%. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh tại địa phương”-Trưởng ban Tổ chức Thị ủy thông tin.

Có thể bạn quan tâm