Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris. (Ảnh: AP) |
Quyết định này kết thúc tranh cãi kéo dài về cách thức tiến hành cuộc tranh luận, vấn đề có lúc đe dọa làm chệch hướng sự kiện diễn ra ngày 10/9, tại Trung tâm Hiến pháp quốc gia ở Philadelphia.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quy tắc tắt micro, trừ khi đến lượt ứng cử viên phát biểu, là điều kiện để ông chấp nhận bất kỳ cuộc tranh luận nào với đối thủ Trump. Tuy nhiên, màn tranh luận tồi tệ khiến đương kim tổng thống phải rời đường đua.
Khi bà Harris thay thế ông Biden trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, nhóm hỗ trợ bà muốn micro được bật trong toàn bộ cuộc tranh luận. Bà nói rằng thông lệ này sẽ "cho phép trao đổi thực chất giữa các ứng cử viên".
Nhưng đến ngày 4/9, AP dẫn một bức thư từ các cố vấn của bà Harris nói rằng bà sẽ gặp bất lợi với cách thức này. Tuy nhiên, bà Harris chấp nhận toàn bộ quy tắc do đài ABC đề xuất, bao gồm quy tắc tắt micro.
Một thành viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của bà Harris cho biết, một nhóm các nhà báo sẽ có mặt để lắng nghe những gì ứng cử viên muốn nói khi micro của họ bị tắt. Chi tiết đó không được nêu trong bộ quy tắc tranh luận.
Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết cựu tổng thống Mỹ và đảng của ông đã huy động được 130 triệu USD trong tháng 8, tích luỹ được tổng số 295 triệu USD tiền mặt.
Mức tiền này thấp hơn một chút so với tháng 7, với 138,7 triệu USD. Đó là tháng mà cựu Tổng thống Trump đã sống sót sau một vụ ám sát.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris vận động được số tiền lớn hơn ông Trump trong tháng 7, với 310 triệu USD, nhưng vẫn chưa công bố số liệu chính thức của tháng 8.
Cả hai bên đều đang tích cực vận động ở các bang chiến trường bằng nhiều quảng cáo trên truyền hình.
Theo Bình Giang (TPO/AP, Reuters)