Ngày 29/10, bà Harris, ông Trump khép lại chiến dịch vận động tranh cử với các cuộc mít tinh mang những thông điệp khác nhau.
Buổi vận động tranh cử cuối cùng của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris diễn ra ở công viên Ellipse gần Nhà Trắng, trong đó bà tập trung công kích đối thủ, bà Harris nói: "Donald Trump dành cả thập kỷ để khiến người Mỹ chia rẽ và sợ hãi lẫn nhau. Đó là bản chất con người ông ấy. Tôi ở đây tối nay để nói rằng đó không phải bản chất của chúng ta. Tôi cam kết trở thành tổng thống của tất cả người Mỹ, luôn đặt đất nước lên trên đảng phái và bản thân”.
Buổi vận động này nhằm tiếp cận nhóm người chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, trong đó có những cử tri Cộng hòa ôn hòa.
“Cảm ơn tất cả mọi người. Vì vậy, hãy lắng nghe, một tuần kể từ hôm nay, bạn sẽ có cơ hội đưa ra quyết định tác động trực tiếp đến cuộc sống của bạn và gia đình bạn, cũng tương lai của đất nước chúng ta. Và đó có thể sẽ là lá phiếu quan trọng nhất của bạn. Cuộc bầu cử này không chỉ là sự lựa chọn giữa hai đảng và hai ứng cử viên khác nhau, mà đó còn là sự lựa chọn về việc liệu chúng ta sẽ có một đất nước bắt nguồn từ tự do cho mọi người Mỹ hay sự hỗn loạn và chia rẽ”, bà Harris nói.
Không còn áp dụng phong cách vận động tranh cử "vui vẻ" như thời gian đầu, phát biểu tại công viên Ellipse, bà Harris cam kết đoàn kết đất nước, đồng thời cáo buộc động cơ tranh cử của Trump là "trả thù và bất mãn", thay vì mang lại lợi ích cho người dân.
Ông Trump tối 29/10 cũng tổ chức sự kiện vận động cuối cùng trong chiến dịch tranh cử bằng cuộc mít tinh ở Allentown, bang Pennsylvania, nơi có số lượng cử tri gốc Mỹ Latin tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2000. Hơn một nửa trong số này là người gốc Puerto Rico.
"Mọi người có cảm thấy tốt hơn so với 4 năm trước không?", ông hỏi người ủng hộ khi bắt đầu sự kiện. Đám đông đồng loạt trả lời: "Không".
"Hôm nay tôi mang đến đây thông điệp hy vọng cho tất cả người Mỹ. Chúng ta sẽ chấm dứt lạm phát, ngăn chặn tội phạm xâm nhập đất nước và đưa giấc mơ Mỹ trở lại", ứng viên đảng Cộng hòa nói.
Ông kêu gọi người ủng hộ đi bỏ phiếu. "Ngày hôm đó, mọi người phải đứng lên nói với Kamala Harris rằng 'đủ rồi, bà không thể lấy đi mất thứ gì nữa đâu, bà đã bị sa thải'", Donald Trump nhấn mạnh, đồng thời mô tả chính quyền Biden - Harris là "tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Ứng viên đảng Cộng hòa cũng chỉ trích cựu tổng thống Jimmy Carter, 100 tuổi, người đã bỏ phiếu cho bà Harris.
Nhóm của ông Trump đang tập trung củng cố nội bộ đảng Cộng hòa và tiếp cận cử tri không thường xuyên đi bỏ phiếu, những người thất vọng với tình hình nước Mỹ và mong muốn có sự thay đổi.
Mỹ phải vật lộn với đại dịch Covid-19 vào thời điểm Trump rời Nhà Trắng, song các khảo sát cho thấy phần lớn cử tri vẫn không hài lòng với hướng đi của đất nước hiện nay.
Ứng viên Cộng hòa tuyên bố sẽ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử, đồng thời áp đặt thuế quan rộng rãi nhằm tạo ra nguồn thu ngân sách và thúc đẩy sản xuất ở Mỹ.
Ông Trump cũng đánh giá u ám về khả năng lãnh đạo của bà Harris, cáo buộc bà "xóa sạch" biên giới quốc gia, "làm khổ tầng lớp trung lưu, mang cảnh đổ máu, nghèo khổ đến những thành phố lớn và gieo chiến tranh, hỗn loạn trên toàn thế giới".
Công cụ theo dõi cuộc thăm dò bầu cử hàng ngày của FiveThirtyEight cho biết, tính đến ngày 29/10, bà Harris đang dẫn trước sít sao trong các cuộc thăm dò toàn quốc, với lợi thế 1,4 điểm %. Con số này giảm nhẹ so với tuần trước khi bà dẫn trước 1,7 điểm %. Thăm dò cũng cho thấy số cử tri chưa quyết định là phiếu là 5,4%.
Theo FiveThirtyEight, bà Harris vẫn dẫn trước sít sao ở bang Michigan, Wisconsin. Trong khi đó, ông Trump có lợi thế nhỏ hơn bà Harris ở Pennsylvania và Nevada và có lợi thế đáng kể hơn ở Bắc Carolina, Arizona và Georgia.
Ở cả 7 tiểu bang, các ứng cử viên chỉ chênh nhau chưa đến 2 điểm phần trăm, vẫn nằm trong phạm vi sai số của cuộc thăm dò, điều này khiến mỗi tiểu bang trở nên khó đoán định trước thời điểm bỏ phiếu cuối cùng.
Mặc dù kết quả các cuộc thăm dò toàn quốc đang có sự thay đổi rõ rệt, nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng cuộc bầu cử năm nay rất khó đoán, đặc biệt biên độ sai số của các cuộc thăm dò có thể tăng gấp đôi.
Hàng triệu người Mỹ sẽ đi bỏ phiếu ngày 5/11 để bầu ra tổng thống thứ 47 của đất nước. Hơn 47 triệu người đã bỏ phiếu sớm, trong đó có Tổng thống Joe Biden.