TN - Đất & Người

Bà H'Lâm và… nghịch lý già làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Có một việc rất khó lý giải về các già làng Tây Nguyên. Đó là, người Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, tức là người đàn bà có quyền to nhất trong xử lý công việc gia đình, nhưng già làng Tây Nguyên lại luôn là... đàn ông.
Già làng Tây Nguyên hiểu theo một cách nôm na nhất thì đấy là một người... già, tất nhiên, nhưng không cứ là phải già nhất làng và phải có uy tín. Ở xã hội Tây Nguyên ngày xưa, người có uy tín chính là người biết giải mã các giấc mơ, biết thay dân làng đối thoại với Yàng, với thần linh, biết hành xử một cách thông minh nhất, đúng nhất, hợp với quyền lợi số đông nhất giữa cộng đồng làng, biết giúp dân làng tìm đất lập làng, xử lý việc chiến tranh, dịch bệnh, có uy để giải quyết các vấn đề từ lớn đến nhỏ trong làng.
 Già làng Ksor H'Lâm trao đổi với các cán bộ Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15). Ảnh: V.C.H
Già làng Ksor H'Lâm trao đổi với các cán bộ Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15). Ảnh: V.C.H
Chúng ta biết xã hội Tây Nguyên xưa gần như khép kín, ứng xử với nhau trong cộng đồng theo luật tục, vì thế vai trò của già làng là vô cùng quan trọng. Nó cũng là nơi sinh ra các hủ tục, có hủ tục chẳng khác gì “tội ác” như: đổ chì, lặn nước, xử loạn luân... nhưng đồng thời nó cũng làm cho cấu kết làng và tôn ti trật tự được giữ vững trong một chỉnh thể thống nhất, vững bền... Nhờ thế mà dù còn rất lạc hậu, thô sơ, dù thường xuyên du canh du cư, thường xuyên đứng trước nguy cơ dịch bệnh hoành hành dẫn đến có thể xóa sổ cả cộng đồng... nhưng các làng Tây Nguyên vẫn tồn tại và giữ được nhiều phong tục tập quán, cách ứng xử với nhau, với tự nhiên rất hợp lý và hợp quy luật sống.
Nội dung quan trọng nhất của luật tục Tây Nguyên là duy trì và củng cố quan hệ cộng đồng. Người ta quan tâm đến việc giữ gìn trật tự xã hội, chống lại tệ ăn cắp, gây rối, to tiếng cãi vã, xô xát. Để cho xã hội yên ổn, luật tục chú ý đến việc gìn giữ các phong tục tập quán, các tục lệ trong việc cưới xin, ma chay, bỏ mả, cúng bến nước... Cộng đồng ngăn cấm các tội phạm về tính dục cũng là để giữ gìn sự trật tự và ổn định xã hội vì rằng những hành động ngoại tình, gian dâm sẽ gây rối ren cho xã hội. Đặc biệt, loạn luân là mối lo sợ thường trực của người Tây Nguyên vì họ cho rằng nó sẽ dẫn đến những tai họa khủng khiếp như: hạn hán, mất mùa, dịch bệnh, cháy làng... Trong mối quan hệ với tự nhiên chẳng hạn, luật tục nhiều nơi quy định chặt một cái cây phải đền ba cây... Tất nhiên luật tục trước khi thực thi phải có người nghĩ ra nó, rồi đưa ra làng thảo luận, làng thông qua xong thì phải có người chủ trì thực thi. Người đó chính là già làng.
Ở làng Krông, xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai), tôi vừa tiếp xúc với một già làng khá đặc biệt, nữ già làng, bà Ksor H'Lâm.
Nghe nói ở Tây Nguyên hiện tại còn đến 2 già làng là nữ khác nữa, một ở Kon Tum và một ở Gia Lai, nhưng tôi chưa gặp mà chỉ... nghe nói, còn bà H'Lâm thì đang ngồi với tôi bằng xương bằng thịt, cùng... xem trận Việt Nam đá với Philippines mới đây. Cũng hò hét, cũng vụt đứng dậy huơ chân vung tay khi đội Việt Nam ghi bàn. Và sáng hôm sau, tôi lại được cùng uống cà phê với bà tại một quán cà phê đậm chất... biên giới với những gốc cây lộc vừng rất to rất đẹp và những bản nhạc bolero mở hết cỡ.
13 tuổi bà đi làm giao liên, đưa thư từ, rồi sau đó làm bộ đội hậu cần. Được đưa ra miền Bắc học chữ rồi học Trường Sĩ quan Lục quân, năm 1973 thì bà nằng nặc đòi về quê chiến đấu vì ở ngoài Bắc “lạnh lắm, chết thì không được là liệt sĩ”. Bà kể về quãng đời trước của mình nhẹ tênh với giọng cười rất vô tư.
Tôi đùa: Giờ 74 tuổi còn đẹp thế này, ngày xưa trong rừng là “hàng độc” rồi, chắc cũng... yêu nhiều lắm. Bà cười rất to bảo: Chả yêu ai còn có ai yêu mình không thì không biết. Giờ bà sống với một người chị gái, bà chưa từng có chồng nhưng hầu như trẻ con trong làng đều là con cháu bà.
Ngoài việc có uy tín, biết hóa giải các mâu thuẫn, dự báo những công việc của làng, bà H'Lâm còn một việc nữa khiến ai cũng nể, ấy là chia sẻ tài sản của cải cho dân làng. Được biết, bà đang nuôi 20 con bò, cứ nuôi thả thế, ai khó khăn thì cho. Heo gà cũng vậy. Lương Thượng úy về hưu được gần 6 triệu đồng, bà cũng sẵn sàng chia sẻ với những gia đình khó khăn trong làng.
Không chỉ uy tín với dân làng, bà H'Lâm còn rất có uy tín với anh em Đồn Biên phòng Ia Mơr và cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Kinh tế quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) đứng chân trên địa bàn xã. Cái cuộc mà tôi được xem bóng đá với bà là do anh em Trung đoàn 710 tổ chức, có sự tham gia của một số sĩ quan Biên phòng. Họ thân thiết với nhau như người nhà.
Và cuộc cà phê với bà sáng hôm sau cũng thế. Thực ra là bà ăn chè còn chúng tôi cà phê. Hỏi ăn sáng chưa, bảo thế này là ăn sáng rồi. Trung tá Thái Bá Mão-Trưởng phòng Tuyên huấn Binh đoàn 15 ghé quán bên đường mua biếu bà cân thịt heo ngon, bà cười, cảm ơn “nhưng ăn bao nhiêu đâu mà thịt với thà”.
74 tuổi nhưng bà còn rất minh mẫn, lưu loát. Khu vườn rất rộng với nhiều cây xoài xanh um, nhiều lều nhỏ chứa lúa và lương thực. 2 ngôi nhà, một ngôi nhà sàn bằng gỗ vững chãi và một ngôi do Trung đoàn 710 xây tặng. Hỏi bà ở nhà nào, cười: cả 2.
Nhìn cái dáng thư thái ung dung đi trên đường làng và thái độ dân làng khi gặp và chào, thấy ngay đây là một người được tin yêu. Thì chả phải ngẫu nhiên dân làng bầu bà là già làng, già làng thực thụ chứ không phải danh nghĩa, dù bà là... phụ nữ.
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm